Vinspeed và cơ chế góp vốn bằng cổ phiếu
VinSpeed thực hiện cơ chế góp vốn bằng cổ phiếu VIC (cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup) thông qua việc ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT VinSpeed và Tập đoàn Vingroup chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VIC cho VinSpeed.
Mới đây, Công ty Cổ phần Vinspeed đã có thông báo về việc tăng vốn điều lệ lên mức 15.000 tỷ đồng, từ mức 6.000 tỷ đồng trước đó. Dù công ty không công bố tỷ lệ sở hữu cụ thể nhưng đáng chú ý trước đó, ông Phạm Nhật Vượng đã thực hiện góp vốn vào Vinspeed bằng 135,6 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup. Như vậy, ông Vượng đã chuyển quyền sở hữu cả trăm triệu cổ phiếu VIC sang cho Vinspeed. Vinspeed thành chủ sở hữu mới của 135,6 triệu cổ phiếu VIC. Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 16/7 là gần 16.000 tỷ đồng. Đây là con số siêu khủng, vượt qua vốn điều lệ công bố của Vinspeed.
Việc góp vốn bằng cổ phiếu của một doanh nghiệp khác cũng như góp vốn bằng tiền mặt đều là những hình thức góp vốn hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, vì bản chất tài sản góp vốn là cổ phiếu nên sẽ có một số đặc thù riêng.
Ví dụ, khi một doanh nghiệp được góp vốn bằng tiền mặt, họ có thể ngay lập tức sử dụng số tiền đó để trang trải các chi phí vận hành như thuê văn phòng, mua sắm thiết bị và đảm bảo hoạt động được suôn sẻ. Tuy nhiên, với cổ phiếu là không thể. Vinspeed không thể dùng cổ phiếu VIC mà họ đang sở hữu để trả lương cho nhân viên hay thanh toán cho các đối tác?
Về mặt kế toán, sẽ có những bước ghi nhận rạch ròi như sau. Thứ nhất, giá trị vốn góp của ông Vượng sẽ được ghi nhận dựa trên giá trị của 135,6 triệu cổ phiếu VIC. Giá trị này thường sẽ được xác định bằng cách lấy giá bình quân của cổ phiếu trong một giai đoạn nhất định để đảm bảo tính khách quan.
Giá của cổ phiếu VIC riêng trong tháng 7 này đã tăng giá gần 23%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, mức tăng là gần 190%, tức là giá cổ phiếu đã tăng gần gấp 3 lần. Giá trị vốn góp này sẽ được ghi nhận vào vốn điều lệ của Vinspeed. Đồng thời, khi Vinspeed nhận số cổ phiếu VIC, họ sẽ ghi nhận nó như một khoản đầu tư tài chính vào Tập đoàn Vingroup bởi Vinspeed đã trở thành một cổ đông, một chủ sở hữu của Vingroup.
Thực tế, Vinspeed có tiền. Trong cơ cấu vốn điều lệ mới Vinspeed công bố, có 4.200 tỷ đồng là tiền mặt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ngay cả khi Vinspeed chỉ được góp vốn hoàn toàn bằng cổ phiếu, họ vẫn có thể có tiền để hoạt động bằng cách nào?
Họ sẽ dùng chính số cổ phiếu VIC mà mình đang sở hữu, một tài sản có giá trị và có tính thanh khoản cao, cùng với uy tín của người sáng lập là tỷ phú Phạm Nhật Vượng để làm tài sản đảm bảo và vay vốn từ các ngân hàng. Khi đó, trên bảng cân đối kế toán của Vinspeed, mọi thứ vẫn sẽ rất cân đối. Phía tài sản của họ sẽ tăng lên, bao gồm cả khoản đầu tư vào cổ phiếu VIC và một lượng tiền mặt mới vay được. Ở phía nguồn vốn tương ứng, họ sẽ có vốn điều lệ (từ việc góp vốn bằng cổ phiếu) và một khoản nợ vay mới.
Tất nhiên, việc góp vốn bằng cổ phiếu cũng sẽ đòi hỏi những nghiệp vụ kế toán phức tạp hơn, ví dụ như phải xử lý định kỳ vào mỗi kỳ báo cáo về sự tăng, giảm giá trị của khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ đó. Vậy, khi giá cổ phiếu VIC có những biến động, Vinspeed - với vai trò là chủ sở hữu của 135,6 triệu cổ phiếu VIC sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?