Vinhomes (VHM) mua cổ phiếu quỹ, khối ngoại bán tương đương 35% lượng mua
Giai đoạn Vinhomes mua lại cổ phiếu thì khối ngoại bán gần 91 triệu cổ phiếu, tương đương 35% số lượng cổ phiếu quỹ được mua lại, giá trị gần 4.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM: HOSE) đã giảm 3,93% trong phiên giao dịch ngày 22/11, ngày giao dịch sau khi hết thời gian mua lại cổ phiếu quỹ.
Vinhomes đăng ký mua lại 370 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 23/10 đến hết ngày 21/11. Hết thời hạn, VHM đã mua tổng cộng 247 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 66,75% khối lượng đăng ký. Trong đó, giai đoạn VHM mua lại cổ phiếu thì khối ngoại bán gần 91 triệu cổ phiếu, tương đương 35% số lượng cổ phiếu quỹ được mua lại, giá trị gần 4.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, mục tiêu mua cổ phiếu quỹ của Vinhomes là để đảm bảo quyền lợi cho công ty và cổ đông khi thị giá thấp hơn giá trị thực. Nguyên tắc mua cổ phiếu quỹ là không mua bằng mọi giá, mua khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực.
Thị giá VHM trong thời gian mua cổ phiếu quỹ có 2 phiên giá trung bình cao hơn giá trị sổ sách 44.150 đồng/cổ phiếu tại thời điểm cuối tháng 9, theo báo cáo tài chính quý 3. Còn các phiên còn lại giá trung bình từ hơn 39.000 đồng đến 43.500 đồng/cổ phần trong khoảng giá thấp hơn giá trị sổ sách là hợp lý khi cổ phiếu bất động sản thường được định giá theo chỉ số P/B (giá trên/giá trị sổ sách). Chỉ số này thấp hơn 1 thì giá cổ phiếu được xem là dưới giá trị doanh nghiệp. Chỉ số P/B bình quân ngành bất động sản trên sàn niêm yết theo số liệu của Fiintrade hiện tại là 1,2 lần, trung bình 5 năm là 2,2 lần.
Với nguyên tắc không mua cổ phiếu quỹ bằng mọi giá, mua ở mức giá và khối lượng có lợi cho công ty và cổ đông thì Vinhomes không nhất thiết mua hết khối lượng cổ phiếu đã đăng ký ở mặt bằng giá hiện nay. Mục tiêu của việc mua cổ phiếu quỹ đã đạt được khi đưa cổ phiếu VHM thoát khỏi vùng đáy giá, trước áp lực bán ròng của khối ngoại cũng như xu thế giảm chung của thị trường.
Tại thời điểm VHM công bố mua lại cổ phiếu thị giá VHM giảm sâu chỉ còn 36.000 đồng/cổ phần. Thông tin mua cổ phiếu quỹ đã giúp giá VHM phục hồi về ngang giá trị sổ sách sau đó. Sau khi thị trường đón nhận thông tin VHM quyết định mua cổ phiếu vào ngày 7/8, VHM tăng mạnh từ vùng 34.000 đồng lên 48.000 đồng vào ngày 22/10, ngay trước thềm thương vụ, tương ứng mức tăng hơn 40%.
Theo một đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI tại thời điểm Vinhomes công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu, tính đến cuối tháng 6/2024, VHM có 16.600 tỷ đồng tiền mặt, đủ để mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu như đã công bố. Vốn điều lệ sẽ được giảm tương ứng với số lượng cổ phiếu mua lại sau khi thực hiện, nhưng với bảng cân đối nguồn vốn mạnh khi tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 24% tính đến cuối quý 2/2024, VHM vẫn duy trì sự an toàn sau khi mua cổ phiếu quỹ. Ngoài ra, VHM có 26.450 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 47.750 tỷ đồng nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán riêng lẻ, điều này có thể gây thêm áp lực lên dòng tiền của VHM sau khi thực hiện mua lại.
Theo quy định, sau khi mua cổ phiếu quỹ, công ty phải giảm vốn điều lệ tương ứng. Trong 06 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua lại cổ phiếu, công ty đại chúng không được chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trừ trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu theo cam kết khi thực hiện chào bán trái phiếu chuyển đổi.
Ngày 20/11, Vinhomes đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng. Trước đó, cuối tháng 10/2024, Vinhomes đã công bố nghị quyết chào bán tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 36 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẽ tiến hành phát hành thêm tối đa 500 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, thời hạn tối đa 5 năm với hình thức bút toán ghi sổ.