Vĩnh Phúc xây dựng trường học không khói thuốc
Vĩnh Phúc triển khai nhiều biện pháp, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của GV, HS về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.
Không thử, không giữ, không sử dụng thuốc lá
Nhận rõ mối nguy hại từ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử, thời gian qua, ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.
Xác định khâu tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong xây dựng trường học không khói thuốc lá. Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức.
Trường THCS Tân Lập, huyện Sông Lô hiện có gần 450 học sinh với 11 lớp. Nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất cấm đối với học sinh, lực lượng đoàn viên thanh niên nhà trường thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, xây dựng tiểu phẩm về phòng, chống thuốc lá, ma túy trong trường học.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Việt, Bí thư Đoàn Trường THCS Tân Lập cho biết: “Lực lượng đoàn viên thanh niên nhà trường thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện tốt khẩu hiệu “3 không” (không thử, không giữ, không sử dụng thuốc lá và các loại chất kích thích, tránh xa tệ nạn xã hội); tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá, thuốc lá điện tử; đồng thời phổ biến kiến thức cho các em về tác hại nguy hiểm của thuốc lá.
Thường xuyên kiểm tra khuôn viên lớp học, sân trường, nhà vệ sinh nhằm kịp thời phát hiện trường hợp học sinh vi phạm, từ đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để giáo dục các em. Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng đoàn viên thanh niên luôn gương mẫu thực hiện tốt quy định không hút thuốc lá trong môi trường học đường, trong giờ làm việc; vận động cán bộ, giáo viên không hút thuốc lá”.
Trước đây, Trường THCS Yên Lạc, huyện Yên Lạc vẫn còn một số giáo viên hút thuốc lá. Để khuyến khích cán bộ, đảng viên nói không với thuốc lá, nhà trường đã tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về tác hại của thuốc lá, nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cán bộ, đảng viên về thói quen hút thuốc lá.
Bên cạnh việc tuyên truyền, nhà trường xây dựng nội quy, quy định, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, giáo viên về việc cấm hút thuốc lá trong khuôn viên trường học. Các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Tổ trưởng các tổ chuyên môn, đảng viên nêu gương trong phòng chống tác hại thuốc lá.
Thầy giáo Phạm Kiều Hưng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lạc chia sẻ: “Cán bộ, đảng viên nói không với thuốc lá không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn phát huy tinh thần gương mẫu, tác phong, lối sống lành mạnh của người đảng viên, cán bộ, từ đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trong công việc cũng như góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục sạch đẹp, văn minh; là tấm gương cho học sinh noi theo”.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Tại Vĩnh Phúc, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực đến nay, công tác triển khai được thực hiện tương đối đồng bộ, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được coi là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện mục tiêu đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn ngành.
Các trường học đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình nâng cao sức khỏe.
Đồng thời niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại; có bảng/biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực phòng học, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang, các khu vực công cộng và khu vực chức năng khác.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đã xuất hiện một số bất cập. Công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học mặc dù được triển khai nhưng vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em mình, chưa chủ động phối hợp với nhà trường nên khó khăn trong việc giáo dục phòng, chống tác hại thuốc lá cho học sinh.
Vì vậy, để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc rất cần sự chung tay phối hợp đồng bộ của toàn xã hội.
Các ngành Giáo dục, Công an, Y tế, Tỉnh đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về tác hại của hút thuốc lá điện tử.
Cùng với sự vào cuộc của nhà trường và các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em của mình, hướng con tới lối sống tích cực, lành mạnh. Từ đó, giúp các em có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh trước tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử.