Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Vĩnh Phúc là địa phương có tỷ lệ công nghiệp hóa lên tới 64%, lưu lượng công nghiệp lớn, đây là cơ hội để địa phương phát triển ngành dịch vụ logistics.

Nhiều tiềm năng phát triển logistics

Chia sẻ tại hội nghị liên quan đến chuyển đổi xanh diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đã chỉ ra những xu hướng tác động đến dịch vụ logistics toàn cầu cũng như tại Việt Nam thời gian gần đây. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành dịch vụ logistics quốc tế cũng như tại Việt Nam, đã có thời điểm hoạt động logistics tại Việt Nam không thể tìm được container để bán hàng, hoặc có tìm được thì cũng phải trả thêm 500-1000 USD, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng.

 Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics. Ảnh minh họa

Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics. Ảnh minh họa

Bên cạnh tác động từ đại dịch Covid-19, theo ông Trần Thanh Hải, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Việt Nam và một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa chuỗi cung ứng cũng đang tác động mạnh mẽ đến dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Đánh giá về lợi thế phát triển dịch vụ logistics tại tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hiện Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành logistics, những tiềm năng này được thể hiện qua hệ thống cơ sở hạ tầng, tỷ lệ công nghiệp hóa, hoạt động xuất nhập khẩu và những chính sách của địa phương trong phát triển ngành logistics.

Cụ thể, Vĩnh Phúc có tỷ lệ công nghiệp hóa đạt 64%, lưu lượng hàng công nghiệp rất lớn nên nhu cầu logistics tại địa phương cũng cao. Vĩnh Phúc cũng là địa phương có thuận lợi về hạ tầng logistics với hệ thống đường cao tốc và đường sắt Nội Bài - Lào Cai. Về sân bay, dù Vĩnh Phúc không có sân bay nhưng lại rất gần với Sân bay quốc tế Nội Bài.

Đặc biệt, khung pháp lý, thể chế, văn bản quy phạm pháp luật của Vĩnh Phúc được đánh giá khá thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 200/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2768 ngày 12/11/2020 về chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô hơn 83 ha với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng; công suất thiết kế thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên).

Trung tâm có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực. Đây được đánh giá là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu thị trường.

Logistics xanh đang là hướng đi mà Việt Nam đang hướng tới. Ảnh ST

Logistics xanh đang là hướng đi mà Việt Nam đang hướng tới. Ảnh ST

Hướng tới phát triển logistics xanh

Theo các chuyên gia, logistics là tất cả các hoạt động kết nối, di chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến với người tiêu dùng, và liên quan đến tất cả các khâu từ quy trình tập hợp nguyên liệu đưa đến nhà máy sản xuất, đến phân phối và hệ thống bán lẻ.

Không thể phủ nhận được những đóng góp của logistics vào bức tranh kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động logistics đã gây ra nhiều tác động lớn đến môi trường, như: Tăng ô nhiễm không khí, tạo ra một lượng lớn nước thải và chất thải rắn thải ra đại dương, tiếng ồn do vận tải đường biển tạo ra có thể làm ảnh hưởng đến môi trường biển... Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra trên toàn cầu, Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng nên chuyển đổi phát triển mô hình logistics xanh, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Để phát triển logistics xanh, bên cạnh yếu tố công nghệ thì nguồn nhân lực cho logistics cũng cần đặc biệt qua tâm. “Bởi doanh nghiệp có thể có quy mô nhỏ, thiếu vốn nhưng nếu họ có nguồn nhân lực được đào tạo tốt, có tính kỷ luật tốt thì doanh nghiệp vẫn có khả năng phát triển” - ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển logistics xanh, Vĩnh Phúc cần hướng tới xanh hóa trong giảm phát thải thông qua việc đưa các phuơng tiện vận tải sử dụng xăng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít phát thải hơn, ví dụ sử dụng phương tiện giao thông chạy điện. Cùng với đó, cần đầu tư thêm chi phí để tối ưu hóa các hoạt động vận tải, kho bãi; trang bị kiến thức về dịch vụ logistics xanh cho doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ logistics.

Tại Việt Nam, khái niệm logistics xanh còn tương đối mới, nhưng đã trở thành một xu hướng nổi bật. Logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư chuyên nghiệp, thể hiện qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, đặc biệt là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vinh-phuc-nhieu-co-hoi-phat-trien-dich-vu-logistics-xanh-360888.html
Zalo