Viglacera: Đang được định giá thấp hơn ngành, triển vọng lợi nhuận tăng gấp đôi đến 2029

Thị trường bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng đang phục hồi mạnh mẽ, tạo đà tăng trưởng cho Viglacera (VGC). Cùng với kỳ vọng thoái vốn Nhà nước, cổ phiếu VGC nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn trên sàn. SHS Research khuyến nghị tăng tỷ trọng, với tiềm năng tăng giá gần 25%.

Viglacera sở hữu triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ: nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng mạnh từ làn sóng FDI; sự phục hồi của thị trường vật liệu xây dựng; và kỳ vọng từ kế hoạch thoái vốn Nhà nước. SHS Research khuyến nghị tăng tỷ trọng, với giá mục tiêu mã VGC ở mức 57.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 24,6% so với ngày 07/07.

Thị trường khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, điện tử, AI và thương mại điện tử. Tính đến hết tháng 6/2025, FDI đăng ký đạt 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước; FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, NVIDIA đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng nhu cầu thuê đất khu công nghiệp.

FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng đạt 6,3 tỷ USD trong năm 2024, tăng 35% so với năm 2023, và tiếp tục duy trì đà tăng trong quý I/2025. Bên cạnh đó, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận tín hiệu phục hồi trong giai đoạn 2024–2025, nhờ vào các dự án hạ tầng trọng điểm, nhu cầu nhà ở và tiến triển trong hoàn thiện pháp lý xây dựng.

Viglacera hiện quản lý và vận hành 15 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 4.600 ha, đứng thứ ba toàn quốc sau VSIP và GVR. Các khu công nghiệp chủ yếu tập trung tại miền Bắc và miền Trung, nằm gần các hành lang giao thông huyết mạch. Một số dự án như Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng, Đông Mai, Đồng Văn IV đã lấp đầy hoàn toàn, trong khi các khu mới như Sông Công 2, Dốc Đá Trắng, Trấn Yên tiếp tục mở rộng tiềm năng phát triển.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera sở hữu chuỗi sản xuất kính xây dựng lớn nhất Việt Nam với công suất 95 triệu m²/năm, chiếm khoảng 40% thị phần kính xây dựng trong nước. Doanh nghiệp cũng chiếm 30% thị phần gạch ốp lát, với 50 triệu m² sản phẩm xuất khẩu trong năm 2024, đưa Viglacera vào Top 20 nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thế giới. Các dòng sản phẩm như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, gạch sứ cao cấp là lợi thế cạnh tranh nổi bật.

Theo SHS Research, cổ phiếu VGC được định giá ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2026 là 12,9 lần, thấp hơn mức trung bình ngành là 16,5 lần. Yếu tố chất xúc tác quan trọng đến từ kế hoạch thoái vốn Nhà nước: Bộ Xây dựng dự kiến thoái toàn bộ phần vốn (38,6%) trong năm 2025. Lịch sử giao dịch cho thấy mỗi đợt thoái vốn Nhà nước tại Viglacera đều gắn với nhịp tăng giá mạnh của cổ phiếu.

Năm 2024, doanh thu của Viglacera đến từ hai trụ cột chính: khu công nghiệp và vật liệu xây dựng. Giai đoạn 2025–2029, SHS dự báo doanh thu tăng trưởng trung bình 8,6%/năm, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.399 tỷ đồng năm 2025 và tăng lên 2.572 tỷ đồng năm 2029, tương ứng EPS tăng lên 5.737 đồng/cổ phiếu. Mảng khu công nghiệp tiếp tục là động lực chính, nhờ các dự án mới và dư địa khai thác đất còn lớn.

Viglacera được thành lập từ năm 1974, khởi đầu là doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất vật liệu xây dựng. Sau hơn 50 năm phát triển, doanh nghiệp đã mở rộng sang mảng bất động sản khu công nghiệp và hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả hai lĩnh vực cốt lõi: vật liệu xây dựng và hạ tầng khu công nghiệp. Tính đến ngày 10/07, cổ đông lớn nhất của Viglacera là CTCP Hạ tầng Gelex, sở hữu 50,2% vốn điều lệ.

Nga Chen

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/viglacera-dang-duoc-dinh-gia-thap-hon-nganh-trien-vong-loi-nhuan-tang-gap-doi-den-2029.html
Zalo