VIFTA mở chương mới trong đầu tư giữa Việt Nam với 'siêu cường' công nghệ nông nghiệp

Chiều nay (11/12), chương trình giới thiệu Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel (VIFTA) đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và công nghệ giữa hai quốc gia.

Toàn cảnh chương trình giới thiệu VIFTA tại Hà Nội. (Ảnh: Gia Thành)

Toàn cảnh chương trình giới thiệu VIFTA tại Hà Nội. (Ảnh: Gia Thành)

Chương trình do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Phòng Kinh tế và thương mại Israel tại Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các cam kết trong VIFTA, là cầu nối để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer cho biết, VIFTA được ký kết vào tháng 7/2023, sau 7 năm đàm phán. Đây là FTA đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Đông Nam Á.

Với cam kết giảm thuế quan đối với 85% dòng thuế từ phía Việt Nam và 92% dòng thuế từ phía Israel vào cuối lộ trình, hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng chiến lược của cả hai nước.

Trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Israel đạt 2,68 tỷ USD, với cơ cấu xuất khẩu cân bằng giữa các nhóm hàng hóa. Việt Nam xuất khẩu sang Israel các sản phẩm dệt may, giày dép, điện tử, thủy sản và nông sản, đạt giá trị khoảng 800 triệu USD.

Ngược lại, Israel cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị y tế, linh kiện điện tử, phần mềm và công nghệ nông nghiệp, với giá trị nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 1,88 tỷ USD.

Nhờ vào các ưu đãi thuế quan và sự hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chiến lược, dự kiến, kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng trưởng trung bình từ 15% đến 20% mỗi năm trong giai đoạn 2025–2030.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Israel không mang tính cạnh tranh trực tiếp, do đó, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hai nước xuất khẩu thế mạnh của mình.

VIFTA không chỉ tập trung vào thương mại mà còn mở rộng đáng kể cơ hội đầu tư song phương.

Trong khi đó, bà Aliza Bin-Noun, Tổng Vụ trưởng Hợp tác chính trị và đa phương của Bộ Ngoại giao Israel khẳng định: "VIFTA đánh dấu một chương mới trong đầu tư. Bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý, hiệp định sẽ mang lại sự tự tin lớn hơn cho các nhà đầu tư của hai nước".

Hiện tại, Israel - quốc gia được mệnh danh là “siêu cường" công nghệ nông nghiệp - đang tăng cường chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cùng Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớnhằm chuyển giao công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel tới nông dân tại 10 tỉnh của Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành)

Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cùng Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớnhằm chuyển giao công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel tới nông dân tại 10 tỉnh của Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành)

Ông Lê Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách đa biên (Bộ Công thương) cho biết, VIFTA là một hiệp định đặc biệt bởi với FTA này, Việt Nam hướng đến gia tăng nhập khẩu vào trong nước, đặc biệt là trong công nghệ, như quản lỹ nước, trí tuệ nhân tạo. Với các FTA khác, thông thường, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sang thị trường đối tác.

Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện. (Ảnh: Gia Thành)

Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện. (Ảnh: Gia Thành)

Tại sự kiện, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cùng Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớnhằm chuyển giao công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel tới nông dân tại 10 tỉnh của Việt Nam.

Đây là bước khởi đầu cho một dự án lớn, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trên toàn quốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Israel cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phát triển thành phố thông minh và an ninh mạng.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm cách tận dụng cơ hội đầu tư tại Israel, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất phần mềm.

Một số doanh nghiệp lớn như Vinfast đã bước đầu triển khai các dự án hợp tác công nghệ với Israel, góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Thông qua VIFTA, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dễ dàng tiếp cận công nghệ mà còn có cơ hội hợp tác phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, giáo dục, và văn hóa. Với tầm nhìn dài hạn và cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, VIFTA được đánh giá là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của thịnh vượng, đổi mới và phát triển bền vững.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vifta-mo-chuong-moi-trong-dau-tu-giua-viet-nam-voi-sieu-cuong-cong-nghe-nong-nghiep-297014.html
Zalo