Viettel khai trương Công viên Logistics hiện đại hàng đầu Việt Nam
Sáng 11-12, tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khai trương Công viên Logistics Viettel.
Tới dự có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; các lãnh đạo của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Bộ Quốc phòng. Về phía lãnh đạo Viettel có Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, là trung tâm logistics có hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, ra đời với sứ mệnh trở thành cầu nối giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc, góp phần định vị Việt Nam là trung tâm logistics chiến lược của Đông Nam Á.
Tọa lạc tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), tiếp giáp với quốc lộ, đường cao tốc và đường sắt, Công viên Logistics Viettel ở một vị trí thuận lợi trong việc kết nối hàng hóa xuyên biên giới. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ logistics xuất, nhập khẩu toàn trình, chuyên nghiệp, bao gồm: Thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận chuyển và vận tải xuyên biên giới.
Các công nghệ tiên tiến cùng hệ thống quy trình được thiết kế tối ưu, kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu Hải quan Việt Nam, Trung Quốc và các cơ quan chức năng khác, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các sản phẩm nông, thủy sản - loại mặt hàng có yêu cầu khắt khe về thời gian và bảo quản.
Điều đặc biệt là tại Công viên Logistics Viettel bố trí khu làm việc liên ngành của lực lượng chức năng hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc, như: Hải quan, bộ đội biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Mục tiêu đặt ra là hàng hóa sau khi được thông quan tại công viên, sẽ được đưa thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải làm thủ tục ở bất cứ khâu nào nữa. Sau khi thông quan, xe container sẽ được kẹp chì và được vận chuyển theo luồng xanh lên cửa khẩu, theo một con đường được bố trí hàng trăm camera, trong đó, cứ 20m sẽ được bố trí một camera loại thường và cứ 100m bố trí một camera có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý.
Với thiết kế vận hành tối ưu, kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại.
Công viên bao gồm các phân khu chính:
Nhà liên ngành - Trung tâm điều hành (NOC): Đây là nơi làm việc của các cơ quan chức năng của hai nước, là trung tâm “đầu não” của Công viên Logistics Viettel - giám sát và điều phối mọi hoạt động trong công viên, thông qua dữ liệu từ hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho thông minh WMS, cùng dữ liệu từ hơn 2.000 camera AI ultraview lắp đặt trên khắp khuôn viên. NOC sử dụng công nghệ Digital Twin, số hóa dữ liệu từ các thiết bị IoT, giúp giám sát hiệu suất, lưu lượng hàng hóa, phương tiện, đồng thời dự đoán lưu lượng và cảnh báo sự cố tiềm ẩn.
Cổng thông minh (Smart gate) tích hợp hệ thống phân luồng xe, công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo AI, chủ động nhận diện biển số xe, mã container và dữ liệu sinh trắc học của tài xế, tăng tốc độ xử lý phương tiện và thông quan hàng hóa lên gấp 3 lần so với truyền thống.
Hệ thống soi chiếu tự động 6 chiều bằng tia X-Ray hỗ trợ phát hiện chính xác các vật phẩm nguy hiểm, cấm nhập khẩu và gian lận thương mại, đảm bảo an ninh cho cả quốc gia và thị trường quốc tế mà không cần mở container.
Khu sang tải tự động sử dụng băng tải telescospic thay vì nhân công thủ công, giúp giảm thời gian chuyển hàng giữa 2 container chỉ còn 30-40 phút thay vì 3 tiếng như cách làm truyền thống.
Khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh sử dụng hệ thống robot AGV tự hành do chính Viettel Post làm chủ, kết hợp với hệ thống nhận dạng và phân loại tự động DWS, hệ thống soi chiếu tự động có khả năng giám sát, kiểm tra, thông quan 600.000 bưu phẩm/ngày.
Khu trưng bày triển lãm và livestreams thương mại là không gian tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các buổi livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu.
Trung tâm giao dịch nông sản là nơi kết nối các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hệ thống bảo quản sau thu hoạch hiện đại giúp duy trì chất lượng trong thời gian chờ thông quan.
Khu dịch vụ tiện ích bao gồm: Nhà hàng, khu lưu trú, giải trí, thể dục, tạo điều kiện làm việc và nghỉ ngơi cho các đối tác và doanh nghiệp khi đến giao thương.
Theo Thượng tá Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), sở dĩ dự án được gọi là công viên, vì khu vực này được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường, tạo ra không gian làm việc bền vững. Công viên Logistics Viettel sẽ trồng 3.000 cây xanh. Để thiết kế trung tâm này, Viettel đã tham khảo các trung tâm Logistics hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tin tưởng rằng, khi Công viên logistics Viettel Lạng Sơn hoàn thành đầu tư các hạng mục và đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần đưa Lạng Sơn trở thành nềntảng cho hạ tầng logistics quốc gia.
Tại lễ khai trương, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, logistics hiện đóng góp khoảng 5-6% cho GDP và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí logistics cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải.
Hạ tầng logistics mà Viettel Post đang kiến tạo sẽ có sứ mệnh là nền tảng để hình thành mạng lưới logistics hiện đại, đồng bộ, giúp kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất, nhập khẩu quốc tế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Công viên Logistics Viettel được khai trương tại Lạng Sơn hôm nay mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện sứ mệnh ấy. Tiếp theo, Viettel Post có nhiệm vụ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; Trung tâm logistics nông sản; Trung tâm logistics trong khu công nghiệp; Hạ tầng chuỗi cung ứng; Mạng lưới vận tải đa phương thức; tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh, về vai trò của hạ tầng logistics trong việc kết nối và nâng cao hiệu quả nền kinh tế.