Vietravel Airlines có máy bay 'của mình'; GELEX lập công ty con; Dabaco vượt kế hoạch lãi cả năm

Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số; Sao Ta báo cáo tăng trưởng doanh số 43% nửa đầu năm; Vietravel Airlines đón máy bay đầu tiên thuộc sở hữu của mình; GELEX thành lập công ty con về đầu tư...

Vietravel Airlines đón máy bay đầu tiên "của mình"

Chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN - A129 với sức chứa 228 ghế là máy báy đầu tiên của Hãng hàng không Vietravel Airlines. Dự kiến, Vietraval sẽ được đưa máy bay vào khai thác ngay đầu tháng 7/2025.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chiếc máy bay đầu tiên do Vietravel Airlines sở hữu.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chiếc máy bay đầu tiên do Vietravel Airlines sở hữu.

Vietravel Airlines cho biết Airbus A321 là dòng tàu bay thân hẹp được ưa chuộng trên toàn cầu, với hiệu suất vận hành cao, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp cả với các đường bay nội địa trục lẫn các tuyến quốc tế cự ly ngắn - trung bình.

Mặt khác, trong tháng 7 tới, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục sở hữu thêm 2 tàu bay Airbus A320, hoàn tất kế hoạch tăng cường đội bay với các dòng máy bay hiện đại, linh hoạt và hiệu quả. Hãng sẽ tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TPHCM với Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn và các điểm đến quốc tế trong khu vực.

“Việc sở hữu tàu bay Airbus A321 đầu tiên không chỉ mang ý nghĩa quan trọng với riêng Vietravel Airlines, mà còn thể hiện khát vọng vươn lên của hàng không tư nhân Việt Nam – một lĩnh vực đang từng bước khẳng định vai trò kiến tạo tăng trưởng trong nền kinh tế quốc dân”, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Đỗ Vinh Quang chia sẻ.

Việc Vietravel Airlines đón máy bay mới diễn ra không lâu sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.600 tỷ đồng, gấp đôi so với con số 1.300 tỷ đồng trước đó. Việc tăng vốn dự kiến được hãng thực hiện trong nửa đầu năm 2026.

Hãng hàng không cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận tải hành khách, đồng thời mở rộng sang mảng vận chuyển hàng hóa hàng không (air cargo) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của chuỗi cung ứng và logistics trong khu vực.

Tập đoàn T&T Group và Vietravel Airlines đang có kế hoạch tham gia phát triển các dịch vụ phụ trợ hàng không như dịch vụ mặt đất (ground services), kho bãi, bốc xếp, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp hàng không - một lĩnh vực có giá trị gia tăng cao… nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái hàng không theo mô hình tập đoàn mà T&T Group đang phát triển.

GELEX thành lập công ty con về đầu tư

HĐQT Tập đoàn GELEX đã ban hành nghị quyết thông qua phương án thành lập pháp nhân mới - Công ty TNHH Đầu tư GELEX. Theo đó, công ty này sẽ hoạt động chính trong ngành hỗ trợ dịch vụ tài chính (hoạt động tư vấn đầu tư).

 Trụ sở Công ty TNHH Đầu tư GELEX.

Trụ sở Công ty TNHH Đầu tư GELEX.

Công ty con có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại số 52 Lê Đại Hành, phường Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội, do Tập đoàn GELEX sở hữu 100%.

Việc thành lập này phù hợp với định hướng đã được đại hội cổ đông thường niên 2025 của GELEX thông qua tại báo cáo của HĐQT. Trong đó, GELEX sẽ tập trung nguồn lực quản lý các khoản đầu tư lớn, trọng yếu một cách bài bản và hiệu quả, phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác chuẩn bị đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp phức tạp, hạ tầng số và các lĩnh vực có tác động tích cực cho xã hội, cộng đồng.

Việc thực hiện các khoản đầu tư mới sẽ được triển khai theo các cách thức GELEX trực tiếp đầu tư, và/hoặc công ty thành viên trong hệ thống GELEX trực tiếp đầu tư, và/hoặc GELEX thành lập công ty con trực thuộc và công ty con này là đầu mối thực hiện/nắm giữ các khoản đầu tư mới.

Hơn 3 thập kỷ phát triển, GELEX từ một doanh nghiệp chuyên về sản xuất thiết bị điện đã chuyển đổi toàn diện, trở thành tập đoàn đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế gồm thiết bị điện, khu công nghiệp và bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng tiện ích.

Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số

Ngày 04/07, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 của Vinatex.

Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 của Vinatex.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, nhiệm kỳ 2020-2025 là giai đoạn đặc biệt khó khăn khi ngành dệt may lần đầu ghi nhận xuất khẩu giảm trên 10% sau ba thập kỷ tăng trưởng. Tuy vậy, Vinatex vẫn đạt và vượt toàn bộ 8/8 chỉ tiêu đề ra, trong đó có ba chỉ tiêu vượt kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn tăng bình quân 31% mỗi năm, tỷ lệ sản phẩm xanh đạt 25%, mạng lưới thị trường mở rộng ra 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bước vào nhiệm kỳ 2025-2030, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dịch chuyển theo hướng nhanh và bền vững, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 5% mỗi năm, lợi nhuận từ 12-15%, thu nhập người lao động tăng vượt chỉ số giá tiêu dùng CPI 2-3%, giảm phát thải 9-10% và 100% doanh nghiệp thành viên đạt chuẩn môi trường. Trọng tâm phát triển là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới mô hình quản trị và xây dựng mô hình "một điểm đến cung ứng trọn gói".

Dabaco vượt kế hoạch lãi cả năm trong 6 tháng

Theo công bố từ Dabaco, Tập đoàn đã thực hiện 101% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025 chỉ sau 6 tháng. Dựa trên kế hoạch từ ĐHĐCĐ thường niên 2025, ước tính “trùm chăn nuôi” lãi sau thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Tập đoàn đã thực hiện 101% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025 chỉ sau 6 tháng.

Tập đoàn đã thực hiện 101% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025 chỉ sau 6 tháng.

Thông tin đưa ra tại cuộc họp định kỳ của HĐQT Dabaco nhằm đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2025, triển khai nhiệm vụ quý III/2025 và các tháng cuối năm.

Theo công bố, các lĩnh vực sản xuất chính như thức ăn chăn nuôi, gia súc gia cầm, dầu thực vật đều đạt kết quả tốt. Trong 6 tháng đầu năm, Dabaco vượt 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025, gấp 4,6 lần cùng kỳ 2024. Doanh thu 6 tháng đạt hơn 12,5 ngàn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Dựa trên kế hoạch được ĐHĐCĐ 2025 thông qua, ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Dabaco đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng, quý II ước lãi khoảng 509 tỷ đồng.

Tập đoàn Dabaco tính toán, thị trường đang có nhiều biến động rất phức tạp, tuy nhiên, Tập đoàn vẫn vận hành ổn định, bám sát định hướng chiến lược phát triển bền vững của mô hình 3F (Feed-Farm-Food).

Bên cạnh việc tập trung triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, Dabaoco cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí, tiết kiệm triệt để, hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt, quy trình tiêm vaccine và công tác an toàn sinh học được thực hiện triệt để, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cho giai đoạn tới, “trùm chăn nuôi” cho biết sẽ chính thức kích hoạt chiến dịch “mở rộng toàn quốc”, triển khai hàng loạt dự án trang trại công nghệ cao tại nhiều địa phương trọng điểm. Trong đó, quý III/2025 sẽ khởi công xây dựng hàng loạt dự án trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi gồm: Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hà Tĩnh (dự kiến khởi công tháng 7/2025), các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai… gắn với thành lập các công ty con nhằm trực tiếp thực hiện đầu tư, vận hành và triển khai các tổ hợp chăn nuôi, chế biến, phân phối theo mô hình khép kín hiện đại. Mục tiêu nâng tổng đàn heo nái cơ bản lên 80.000 con và trên 2 triệu heo thịt vào năm 2028.

Sao Ta báo cáo tăng trưởng doanh số 43% nửa đầu năm

CTCP Thực phẩm Sao Ta vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với doanh số đạt 135,6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này tương đương hơn 3,5 ngàn tỷ đồng và thực hiện khoảng 54% mục tiêu cả năm, dù con số chính thức vẫn chờ xác nhận theo quy định kế toán.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm tiêu thụ của Sao Ta đạt 11.452 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm tiêu thụ của Sao Ta đạt 11.452 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm, sản lượng tôm tiêu thụ của Sao Ta đạt 11.452 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ. Sản xuất tôm đạt 14.260 tấn, tăng 32%. Ở mảng nông sản, sản lượng tiêu thụ giảm 23%, còn 481 tấn. Công ty cho biết đang tiếp tục thu hoạch tôm tại các vùng nuôi, với hiệu quả sản xuất tốt giúp kiểm soát chi phí và tăng sản lượng chế biến.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất hàng trước thời điểm ngày 9/7/2025 - mốc mà chính sách thuế mới dự kiến có hiệu lực.

Tuy vậy, Doanh nghiệp chưa công bố lợi nhuận. Trong quý 1, lãi trước thuế thu về chỉ bằng 8,6% kế hoạch năm, phản ánh áp lực chi phí đầu vào tăng cao và biên lợi nhuận thấp hơn khi xuất khẩu sang Mỹ - thị trường đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng có biên lợi nhuận thấp nhất. Lãnh đạo Công ty cho biết ưu tiên hiện tại là duy trì việc làm và nhịp độ sản xuất trong bối cảnh thị trường trầm lắng.

Đầu tháng 6, ngành tôm Việt Nam chịu cú sốc khi Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ trong kỳ rà soát POR19. Sao Ta nằm trong nhóm 22 doanh nghiệp bị áp mức thuế 35,29% - ngang với mức dành cho Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), dù không phải bị đơn bắt buộc.

Trong BCTC hợp nhất năm 2024, Sao Ta đã chủ động trích trước gần 103 tỷ đồng chi phí thuế này, căn cứ trên tỷ lệ 4,58% từng áp dụng trong quá khứ để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, nếu mức thuế 35,29% được giữ nguyên, khoản trích lập hiện tại sẽ không đủ bù đắp và tạo áp lực lớn lên lợi nhuận vốn đang khiêm tốn của Công ty.

Việc đẩy mạnh giao hàng sang Mỹ gần đây cũng nằm trong tính toán của Sao Ta, nhằm chuẩn bị nếu trở thành bị đơn bắt buộc trong kỳ rà soát tiếp theo (POR20). Lãnh đạo kỳ vọng có thể đạt được mức thuế hợp lý hơn, vừa bảo vệ lợi ích Công ty, vừa góp phần giữ lợi thế cho ngành tôm Việt Nam.

Khánh An tổng hợp

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vietravel-airlines-co-may-bay-cua-minh-gelex-lap-cong-ty-con-dabaco-vuot-ke-hoach-lai-ca-nam-d322420.html
Zalo