Vietnam Airlines được phép tăng vốn thêm 22.000 tỷ đồng
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý với các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.
Ở giai đoạn 1, Quốc hội cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines.
Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn Giai đoạn 1 với việc phát hành lượng cổ phiếu có tổng quy mô 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án, trong đó Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng.
Quốc hội cũng cho phép Công ty CP Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024.
Sau thời hạn này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.
Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xem xét, bố trí kế hoạch kiểm toán 2024 - 2025 báo cáo tài chính và các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại Vietnam Airlines.
Đồng thời, cơ quan này cần kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Vietnam Airlines nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia.
Trước đó, hồi cuối năm 2020, Quốc hội cũng đã cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần với ngân hàng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong năm nay, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đã có nhiều chuyển biến tích cực với doanh thu đạt 9.160 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng đạt hơn 6.620 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3.530 tỷ đồng.
Trong năm nay, Vietnam Airlines đã có lãi quý thứ ba liên tiếp với lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 860 tỷ đồng trong quý III, phục hồi tích cực trở lại sau giai đoạn đại dịch Covid-19.
Dù vậy, do tác động nặng này của đại dịch, hãng vẫn âm vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng. Đến hết quý III, Vietnam Airlines lỗ lũy kế trên 35.200 tỷ đồng.
Theo đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đến năm 2025, công ty dự kiến khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư. Việc này sẽ giúp Vietnam Airlines tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.