Việt Trì xưa và nay

Vùng đất Việt Trì ngày nay, xưa là kinh đô Văn Lang thời đại các Vua Hùng dựng nước. Truyền thuyết kể rằng: Để chọn nơi định đô, vua Hùng đi qua nhiều địa bàn từ khu vực đầm Ao Châu (Hạ Hòa) với chín mươi chín ngách, qua vùng đồi Thanh Ba có dãy núi Thắm, thấy nhiều cảnh đẹp, đất lành mà không có nơi nào nhà vua ưng ý. Rồi một lần, nhà vua cùng các Lạc hầu, Lạc tướng đi tới một vùng trước mặt có 3 con sông hội tụ, hai bên có núi Tản Viên, Tam Đảo như Thanh long Bạch hổ chầu về, có đồi núi gần xa, ruộng đồng tươi tốt, dân cư đông vui, giữa vùng đồi núi điệp trùng lại có ngọn núi cao hẳn lên như một đầu rồng, còn những dãy núi kia như những khúc thân rồng uốn lượn. Vua cả mừng khi thấy núi non kỳ thú, đất tốt, sông sâu, cỏ cây xanh tốt. Nơi đây có thế để giữ, để mở, có chỗ cho muôn dân hội tụ. Vua Hùng bèn quả quyết chọn đất này và nơi ấy trở thành kinh đô của nhà nước Văn Lang.

Thành phố Việt Trì hôm nay.

Thành phố Việt Trì hôm nay.

Như vậy là truyền thuyết hay lịch sử, lịch sử hay truyền thuyết đã phần nào phản ánh sự thật lịch sử, từ rất sớm người Việt cổ đã chọn vùng Việt Trì làm nơi sinh tồn và phát triển giống nòi. Chính vì vậy Việt Trì được chọn làm trung tâm chính trị của nhà nước Văn Lang. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đây là nơi hội tụ của nhiều nhóm Việt cổ mang những sắc thái đa dạng trong một thể thống nhất của nền văn minh Đông Sơn. Cư dân Việt Trì có nguồn gốc từ cư dân Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

Cư dân Hùng Vương cư trú ở vùng gò đồi thấp ven các triền sông, kinh tế chủ yếu là trồng lúa nước, săn bắt và chăn nuôi gia súc nhỏ. Truyền thuyết có nhắc tới Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Minh Nông, kho lúa ở Nông Trang nơi trồng lúa nếp ở Hương Trầm, Dữu Lâu. Các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn còn thể hiện nhà sàn, cảnh đánh trống đồng, giã gạo, đi săn, hình hươu, chó... Các công cụ sản xuất bằng đồng, đá đã tìm thấy rất nhiều ở di chỉ Đồi Giàm (tiền Đông Sơn) và Làng Cả (văn hóa Đông Sơn).

Thời kỳ này, hình thái kinh tế xã hội chuyển từ chế độ thị tộc sang công xã nông thôn. Sự phát triển kinh tế khiến cho sức sản xuất được giải phóng mạnh mẽ, sản phẩm dư thừa. Một số người tách khỏi nông nghiệp để hoạt động thủ công nghiệp, tiến bộ hơn cả là nghề đúc đồng, minh chứng là Di chỉ mộ táng Làng Cả đã phát hiện 4 khuôn đúc đồng hai mang cùng với đồ nấu đồng và rót đồng. Có thể đó là mộ táng của người chuyên đúc đồng trong xã hội. Có thể khẳng định đây là thời kỳ đồ đồng phát triển rực rỡ và chiếm vị trí lớn, vì vậy còn được gọi là thời kỳ đồng thau.

Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho điều kiện sinh sống và phát triển mà ngay từ thời Hùng Vương, Việt Trì đã là trung tâm của cộng đồng Lạc Việt. Dân cư ngày một đông đúc và phát triển với tốc độ nhanh làm thay đổi về cơ bản thành phần và cơ cấu, cư dân ngày một đa dạng và phong phú hơn. Lịch sử phát triển của Việt Trì trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc đã cho thấy một số đặc điểm nổi bật của cư dân ở địa bàn ngã ba sông qua một số nhận xét như sau:

Đây là địa bàn cư trú sớm nhất của dân tộc Việt Nam với nghề nông trồng lúa nước rất phát triển, là nơi khởi thủy của quá trình phát triển các tộc người sinh sống trên mảnh đất Việt Nam và từ đây, tầng lớp thị dân cũng đã xuất hiện đầu tiên ở Việt Trì gắn liền với sự hình thành, ra đời và phát triển của kinh đô đầu tiên - kinh đô Văn Lang.

Đây là trung tâm tập trung rất sớm, số lượng đông cư dân Việt cổ và cũng từ đây các tộc người đã tỏa đi sinh cơ lập nghiệp tại các địa bàn cư trú khác và ngược lại từ mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp tại Việt Trì, tạo nên sự “giao thoa dân cư” một cách tự nhiên và lập nên quốc gia Văn Lang với địa bàn hành chính gồm 15 bộ trong buổi đầu dựng nước. Là một địa bàn chịu sự tác động mạnh mẽ của các cuộc chiến tranh đã từng diễn ra trong lịch sử trên địa bàn Việt Trì. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến sự biến động dân cư tạo nên một trạng thái “động”, “không ổn định” và luôn ở xu thế “tăng trưởng” và “phát triển” về thành phần dân cư.

Đời sống văn hóa tinh thần của dân cư kinh đô Văn Lang cũng được chúng ta biết đến nhờ truyền thuyết và các hiện vật khảo cổ học. Ở di chỉ Làng Cả thấy một số đồ trang sức như: Vòng tay, khuyên tai... Trống đồng và chuông không chỉ được dùng trong nghi lễ tín ngưỡng mà còn để phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần. Trên trống đồng Đông Sơn cũng có khắc hình ảnh trai gái đánh trống đồng, ca hát. Đặc biệt là hát Xoan.

Đình Hùng Lô. Ảnh: Tư liệu

Đình Hùng Lô. Ảnh: Tư liệu

Việt Trì - kinh đô Văn Lang xưa là địa bàn tập trung đậm đặc các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang dấu ấn đặc trưng của vùng Đất Tổ. Đó là hệ thống các di tích kiến trúc tôn giáo phong phú mà chiếm hơn một nửa là di tích thờ tự Vua Hùng và các tướng lĩnh, vợ con nhà Hùng.

Nhiều di tích có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao như: Đình Lâu Thượng, đình Bảo Đà, đình Hùng Lô, đình An Thái, đình Hương Trầm... gắn với các di tích đó là các lễ hội phong phú và đặc sắc với các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hội bơi chải (Bạch Hạc); hội giã bánh giầy (Mộ Chu Hạ - Bạch Hạc); hội Xoan (Kim Đức - Phượng Lâu); hội Tịch Điền (Minh Nông); chơi Đu Tiên (Minh Nông, Minh Phương); đánh lốc kéo co (Dữu Lâu); ném chài cướp bông (Vân Phú); đi cầu đốt pháo (Hương Lan- Trưng Vương)... các lễ hội trên đều là các nghi lễ liên quan đến Vua Hùng và các tướng lĩnh nhà Hùng.

Cùng với hệ thống lễ hội là rất nhiều truyền thuyết gắn với từng địa danh ở Việt Trì như: Chuyện Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở làng Lú (Minh Nông); kho thóc của nhà Vua (Nông Trang); làng trồng lúa nếp thơm cho hoàng tử Lang Liêu làm bánh dâng Vua ở Hương Trầm (Dữu Lâu); lầu kén rể của Vua Hùng ở Lâu Thượng; đài Thượng Võ ở Bạch Hạc; trại lính của Vua Hùng ở Cẩm Đội (Nỗ Lực); các trường học ở Chàng Đông, Chành Nam (Thanh Miếu), thôn Hương Lan (Trưng Vương); Lâu Thượng, Lâu Hạ, Tiên Cát, Thanh Miếu xưa đều là cung điện của Vua Hùng; Làng Quất Thượng là vườn quất của vua, cũng như Dữu Lâu Kẻ Dầu là vườn trầu với tục ăn trầu của người Việt... Còn rất nhiều truyền thuyết và thần tích phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động và đấu tranh của các tộc người Việt Cổ trong buổi đầu dựng nước.

Việt Trì là cố đô đầu tiên của dân tộc, trong 10 tiêu chí của UNESCO đưa ra về giá trị nổi bật toàn cầu để công nhận là di sản văn hóa thế giới thì các di sản Phú Thọ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu chí thứ 5 với tên gọi: “Không gian văn hóa thời tiền sử” bởi vì tên gọi này gợi lên cho ta giá trị nổi bật về sự bảo tồn địa tầng văn hóa, thể hiện sự định cư truyền thống của cư dân Việt cổ từ thời sơ kỳ đồng thau (văn hóa Phùng Nguyên) đến hậu kỳ đồng thau - sắt sớm (văn hóa Đông Sơn).

Chính sự định cư truyền thống lâu dài và sự phát triển liên tục kế tiếp nhau của người Việt cổ đã tạo nên nghề trồng lúa nước, nghề làm gốm Phùng Nguyên nổi tiếng, nghề luyện kim đồng thau với sản phẩm trống đồng Đông Sơn đầy sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng cư dân Việt Cổ. Đó là bản sắc, bản lĩnh văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ văn minh Việt cổ. Vì lẽ đó, trên vùng đất Việt Trì UNESCO đã công nhận hai di sản văn hóa đại diện của nhân loại, là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.2.

Thành phố Việt Trì ngày nay là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Phú Thọ, diện tích gần 11.153ha, dân số hơn 215 nghìn người, trong đó dân số đô thị chiếm gần 70 %; có 22 đơn vị hành chính, gồm 13 phường và 9 xã. Trải qua nhiều giai đoạn quy hoạch và xây dựng, Việt Trì đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và vai trò trung tâm vùng núi phía Bắc.

Việt Trì hiện có 56 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia Đặc biệt; 13 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Đây chính là điểm nhấn vô cùng hấp dẫn cho Nhân dân và du khách thập phương khi đến với thành phố ngã ba sông. Cùng với đó, Việt Trì đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, tôn tạo 30 di tích trên địa bàn, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và gắn với phát triển du lịch. Công tác phục dựng và mở rộng không gian các lễ hội cũng được quan tâm. Nhờ đó, một số di tích đã trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh, có tính đặc thù của vùng Đất Tổ, tạo ra những điểm tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...

Nhằm nâng tầm quản lý đô thị, thành phố Việt Trì đã triển khai thực hiện Đề án Đô thị văn minh, văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai Quy chế quản lý đô thị và các đề án xây dựng, nâng tầm đô thị Việt Trì đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân và tinh thần tự giác thực hiện của Nhân dân trong các lĩnh vực về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xã hội hóa nguồn lực...

Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2020, Việt Trì đã huy động hơn 27.600 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố. Đến hết năm 2018, 100% các xã của thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Một trong các khâu đột phá là xây dựng Việt Trì trở thành đô thị văn minh, văn hóa đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định.

Hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Trì đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tạo cho thành phố diện mạo khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, điều kiện tốt nhất cho việc thực hành hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan ở Phú Thọ”.

Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là nguồn cổ vũ, tiếp thêm động lực để Việt Trì gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Đất Tổ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục; các kết cấu hạ tầng đô thị và mạng lưới giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Các tuyến đường nội thị như: Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh, Vũ Thê Lang, Phù Đổng... và hơn 130km đường giao thông nội bộ, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang, Cầu Vĩnh Phú... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố.

Cùng với đó, Việt Trì tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Đồng thời kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại, tạo sự hòa quyện, gắn kết giữa các chức năng của thành phố công nghiệp và lễ hội du lịch.

Thành phố Việt Trì đã và đang huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh - hiện đại; phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, nhằm tạo ra sức bật mới trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Thành phố Việt Trì từng bước duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả.

Thông qua đó, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đồng thời xây dựng phong cách công dân thành phố, vừa quảng bá, tuyên truyền thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sự liên kết với các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh trong vùng, các trung tâm du lịch, các đối tác trong và ngoài nước để hình thành các tua, tuyến du lịch, dịch vụ thuận lợi và hấp dẫn...

Với các thành tựu đã đạt được cũng như những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân, Thành phố sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí thành phố văn minh - hiện đại, từng bước đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách thập phương, để Việt Trì trở thành thành phố năng động, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Hữu Điền

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch danh dự Hội KHLS Phú Thọ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/viet-tri-xua-va-nay-223202.htm
Zalo