Việt Nam xuất khẩu thịt sang thị trường nào nhiều nhất?

Việt Nam hiện xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt sang 35 thị trường trên thế giới, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Bản tin thị trường nông lâm thủy sản tháng 11/2024 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 18.610 tấn thịt và các sản phẩm thịt, với kim ngạch 83,74 triệu USD, lần lượt tăng 2,8% và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trong kỳ, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chiếm 42,6% về lượng và chiếm 57,4% về trị giá); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chiếm 34,9% về lượng và chiếm 26,8% về trị giá).

Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh...

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu tới 35 thị trường. Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt lớn nhất của Việt Nam với 8.600 tấn, đạt 51,99 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và 6,6% về giá trị so với cùng kỳ. Hong Kong chủ yếu nhập từ Việt Nam thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh.

Trong kỳ, thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường ghi nhận tăng cả về lượng và kim ngạch như Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Lào. Ngược lại, mặt hàng này xuất khẩu sang một thị trường lại giảm về lượng và giá trị như Trung Quốc, Mỹ, Canada, Malaysia, Campuchia, Nhật Bản, Hà Lan...

Ở chiều ngược lại, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 703.610 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, kim ngạch 1,42 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trong kỳ, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh...

Ấn Độ vẫn là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 22,67% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu. Cụ thể, trong kỳ, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 159.480 tấn thịt và sản phẩm từ thịt với kim ngạch 531,49 triệu USD, tăng 13% YoY về lượng và tăng 28% YoY về trị giá.

Trong kỳ, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam nhập khẩu từ nhiều thị trường tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 như Australia, Mỹ, Canada, Ba Lan, Hàn Quốc, Argentina, Hong Kong (Trung Quốc), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Bỉ... Tuy nhiên, thịt và các sản phẩm thịt nhập khẩu từ một số thị trường lớn lại giảm như Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Đan Mạch.

Về giá thịt lợn trong nước, tháng 11/2024, giá lợn hơi trong nước biến động không đều so với tháng 10/2024, dao động trong khoảng 61.000 – 64.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của VCBS, giá lợn hơi sau khi tạo đáy từ tháng 11/2023 đã ghi nhận mức tăng khá mạnh trong 2 quý đầu năm 2024, từ 55.000 đồng/kg lên mức đỉnh vào tháng 5 với 66.000 đồng/kg do nguồn cung lợn thiếu hụt.

Bước sang quý 3/2024, đà tăng đã chững lại, giá lợn hơi dao động trong vùng 64.000 – 66.000 đồng/kg do nguồn lợn Campuchia và Thái Lan bắt đầu được nhập về Việt Nam khiến giá lợn bắt đầu giảm nhẹ khoảng 1 – 8% so với tháng trước.

Giá lợn hơi bắt đầu ghi nhận mức điều chỉnh về 61.500 đồng/kg từ tháng 10 do hiệu lực của Luật chăn nuôi sắp đến gần, yêu cầu các nông hộ phải dịch chuyển trang trại lợn ra khỏi khu vực đông dân cư, dịch bệnh Tả lợn châu Phi (ASF) lại bắt đầu nhen nhóm trở lại, kích hoạt làn sóng bán chạy đàn khiến giá lợn giảm đột ngột 8% so với tháng trước.

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-xuat-khau-thit-sang-thi-truong-nao-nhieu-nhat-36627.html
Zalo