Việt Nam - Trung Quốc tăng hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề xuất Vệt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; khu công nghiệp, chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số - phát triển xanh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại kỳ họp.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và người đồng cấp, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, sáng 29/9/2024 tại Bắc Kinh.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Vương Văn Đào đề xuất Vệt Nam - Trung Quốc cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó, chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số, phát triển xanh, ông đồng thời đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện; Hợp tác khu công nghiệp; tiếp tục đàm phán và ký kết bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng...

"2 bên có các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, trong đó có việc đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản; tăng cường hợp tác thương mại điện tử, về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu; giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá...", Bộ trưởng Vương Văn Đào đề xuất.

Đối với hợp tác đa phương và khu vực, Bộ trưởng Vương Văn Đào đề xuất 2 bên cần thảo luận và hoàn tất tiến trình gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do của các thành viên mới...

Nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng thương mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh, bởi đây là xu hướng chung và là một trong những động lực của phát triển bền vững trong tương lai.

“Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Trung Quốc trên nguyên tắc tuân thủ các quy định liên quan và nhu cầu của thị trường đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng... vào đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề xuất nghiên cứu mở rộng ra thành mô hình mới của Khu hợp tác kinh tế qua biên giới theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về phát triển xe ô tô điện như chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện và chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng ô tô điện như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi về lệ phí trước bạ.

Hiện, Bộ Công thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tích hợp các nội dung về phát triển ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam.

Người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh ủng hộ các doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu.

Đưa ra các giải pháp mới để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, cần đảm bảo chuỗi cung hàng hóa, thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hàng hóa đối với các sản phẩm cơ điện, nông thủy sản, trái cây và các hàng hóa khác…

Bởi, hiện nay lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tập trung quá nhiều tại tỉnh Lạng Sơn, trong khi đó, các cửa khẩu khác tại Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai cũng đã được đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi rất tốt, tuy nhiên chưa được khai thác triệt để.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới. Hiện, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua các cửa khẩu giữa hai nước cũng như thương mại song phương đang tăng trưởng rất mạnh.

Giải pháp là thúc đẩy mở mới các địa điểm chỉ định giám sát hải quan đối với trái cây, nông sản, lương thực tại các cửa khẩu đường bộ và đường sắt có đủ điều kiện. Sớm khởi công xây dựng cầu biên giới tại Bản Vược (Lào Cai) - Bá Sái (Hà Khẩu); sớm tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế.

Bộ trưởng Diên đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đã mở cửa thị trường thêm cho nhiều loại nông sản, trái cây Việt Nam như sầu riêng, tổ yến, chanh leo, dừa, thạch đen...; góp phần vào sự gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Trong đó, phải kể đến trái sầu riêng đã trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc (Kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2023).

Cùng đó, 2 bên thúc đẩy khai thác các tuyến container đường sắt Việt - Trung; nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu Hợp tác kinh tế qua biên giới; túc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam---trung-quoc-tang-hop-tac-dau-tu-va-chuoi-cung-ung-d226161.html
Zalo