Việt Nam trong Top 10 thế giới về AI: Mức độ lạc quan rất cao, thực tế sử dụng lại 'khiêm tốn'
Kết quả từ Bảng Chỉ số AI thế giới vừa được công bố đã hé lộ góc nhìn đầy bất ngờ và thú vị về AI tại Việt Nam trong kỷ nguyên số…

Chỉ số AI Thế giới WIN (WIN World AI Index) là một thước đo tổng hợp toàn cầu do Mạng lưới WIN phát triển nhằm đánh giá mức độ sử dụng, mức độ sẵn sàng và nhận thức về trí tuệ nhân tạo (AI) tại các quốc gia thành viên.
Với sự tham gia khảo sát của hơn 32.700 người, chỉ số này cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ phổ biến và tần suất sử dụng AI, các nhóm đối tượng sử dụng AI nhiều hay ít, cũng như cách AI được nhìn nhận khác nhau giữa các quốc gia. Chỉ số này mang lại những dữ liệu cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách về AI và thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có trách nhiệm.
Với việc lọt vào Top 10 toàn cầu, Việt Nam đang chứng tỏ một tiềm năng khổng lồ, được thúc đẩy bởi sự lạc quan và niềm tin mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đằng sau thứ hạng ấn tượng ấy là một nghịch lý lớn: trong khi thái độ cởi mở, mức độ ứng dụng AI của người dân Việt Nam vào đời sống thực tế vẫn còn khá khiêm tốn, hay nói cách khác là "ì ạch".
VIỆT NAM LỌT TOP 10 CỦA TẤT CẢ CÁC CHỈ SỐ AI, NGOẠI TRỪ CHỈ SỐ SỬ DỤNG
Theo báo cáo Chỉ số AI thế giới do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu (WIN) thực hiện tại 40 quốc gia, Việt Nam lọt vào top 10 của gần như tất cả các chỉ số, ngoại trừ chỉ số về sử dụng AI.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về Mức độ tin tưởng (65,6 điểm) và thứ 5 về Mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm). Việt Nam cũng lọt vào top 10 của các chỉ số như Mức độ quan tâm, cảm giác thoải mái và nhận thức về tính hữu ích của AI trong đời sống. Tất cả các chỉ số AI này của Việt Nam đều vượt xa mức trung bình toàn cầu. Và về chung cuộc, Việt Nam xếp hạng thứ 6 với 59,2 trên thang điểm 100.

Việt Nam lọt vào top 10 của gần như tất cả các chỉ số, ngoại trừ chỉ số về sử dụng AI.
Đáng chú ý, Báo cáo đã đưa ra vị thế này, không phải căn cứ trên các yếu tố như hạ tầng hay các chỉ số kinh tế vĩ mô, mà được xây dựng trên nền tảng vững chắc của yếu tố con người. Điều này cho thấy một bộ phận lớn người dân Việt Nam, đặc biệt là dân cư đô thị năng động, không chỉ tò mò mà còn thực sự tin tưởng và sẵn sàng chào đón những cơ hội mà AI mang lại.
Chính sự lạc quan và thái độ tích cực này đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia phát triển, khẳng định mình là một quốc gia có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý xã hội để bước vào cuộc cách mạng công nghệ.
Tuy nhiên, có một chỉ số duy nhất Việt Nam không lọt vào top 10, đó là chỉ số về Mức độ sử dụng AI.
CHỈ SỐ MỨC ĐỘ SỬ DỤNG AI CỦA VIỆT NAM XẾP THỨ 17/40 QUỐC GIA
Bức tranh toàn cảnh đã không chỉ có màu hồng. Điểm yếu lớn nhất và cũng là nghịch lý cốt lõi của Việt Nam chính là khoảng cách đáng kể giữa thái độ và hành vi. Trong khi niềm tin và sự chấp nhận ở mức rất cao, chỉ số về Mức độ sử dụng thực tế lại khá khiêm tốn, chỉ đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trong tổng số 40 quốc gia. Đây cũng là chỉ số thành phần có thứ hạng thấp nhất của Việt Nam.
Dữ liệu khảo sát do Indochina Research Vietnam thực hiện tại 4 thành phố lớn đã lượng hóa rõ nét sự "ì ạch" này: có tới 60% người dân cho biết đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ có vỏn vẹn 3% trong số đó sử dụng AI hàng ngày. Điều này cho thấy AI có thể đã không còn xa lạ, nhưng vẫn chưa trở thành một công cụ quen thuộc, một thói quen trong công việc và cuộc sống của đại đa số người dân.
AI là "sân chơi" của người trẻ. Nhóm người dùng chủ yếu nằm trong độ tuổi 18 - 34, đặc biệt là những người đang sinh sống tại hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tại hai thành phố này, có tới gần 9/10 thanh niên trong độ tuổi 18-24 (89% ở Hà Nội và 87% ở TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã từng chủ động dùng AI.
Đi sâu vào phân tích, bức tranh người dùng AI tại Việt Nam cho thấy sự phân hóa rõ rệt theo hai trục chính: độ tuổi và địa lý.
Theo đó, AI là "sân chơi" của người trẻ. Nhóm người dùng chủ yếu nằm trong độ tuổi 18 - 34, đặc biệt là những người đang sinh sống tại hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại hai thành phố này, có tới gần 9/10 thanh niên trong độ tuổi 18-24 (89% ở Hà Nội và 87% ở TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã từng chủ động dùng AI.
Ngược lại, mức độ sử dụng giảm dần theo độ tuổi và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Tỷ lệ sử dụng AI tại Đà Nẵng và Cần Thơ thấp hơn đáng kể. Đặc biệt, ở nhóm tuổi 55-64 tại Đà Nẵng, chỉ có 1/10 người từng có trải nghiệm với AI.
Ông Xavier Depouilly, Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam, nhận định đây là xu hướng chung toàn cầu. "Dù tần suất sử dụng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực, thế hệ trẻ Việt Nam đang sẵn sàng đón nhận công nghệ mới. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước", ông nói.
NGƯỜI VIỆT "SỢ" AI NHẤT Ở HAI YẾU TỐ: BẢO MẬT DỮ LIỆU VÀ LO MẤT VIỆC LÀM
Sự hiện diện ngày càng tăng của AI cũng dấy lên những quan ngại nhất định. Đối với người Việt, quyền riêng tư dữ liệu là mối lo ngại lớn nhất, với 52% người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
Đối với người Việt, quyền riêng tư dữ liệu là mối lo ngại lớn nhất, với 52% người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
Đứng thứ hai là nỗi lo AI có thể thay thế con người trong công việc, được chia sẻ bởi 48% người tham gia.
Trái ngược với các quốc gia Âu - Mỹ, mối lo về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận) lại ít được quan tâm hơn ở Việt Nam, chỉ chiếm 36%.
Đứng thứ hai là nỗi lo AI có thể thay thế con người trong công việc, được chia sẻ bởi 48% người tham gia. Trái ngược với các quốc gia Âu - Mỹ, mối lo về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận) lại ít được quan tâm hơn ở Việt Nam, chỉ chiếm 36%.
Thứ hạng cao trong bảng chỉ số AI thế giới là một minh chứng cho tương lai số đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, để không lãng phí lợi thế về "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" này, các chuyên gia từ Indochina Research khuyến nghị Việt Nam cần hành động quyết liệt để thu hẹp khoảng cách giữa lạc quan và thực tiễn.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần có những chiến lược cụ thể để mở rộng khả năng tiếp cận AI tới những khu vực ngoài đô thị và các nhóm dân số lớn tuổi. Song song đó là tăng cường giáo dục và truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích, giảm bớt lo ngại không cần thiết. Quan trọng hơn cả là xây dựng lòng tin một cách bền vững bằng cách đảm bảo các hệ thống AI được phát triển minh bạch, đáng tin cậy và an toàn.