Việt Nam thể hiện bước tiến thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP29

Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) được coi là bước tiến quan trọng với những giải pháp ở cấp chiến lược cả trung và dài hạn...

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29.

Trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), tại Phiên họp cấp cao, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng đoàn Việt Nam tại COP29 cho biết năm 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận. Hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, xoáy thuận nhiệt đới xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam và tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo Thứ trưởng, kết quả của Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2023 cho thấy các cam kết hiện tại là chưa đầy đủ, nhấn mạnh sự thiếu tin tưởng và phương thức thực hiện để hiện thực hóa các cam kết thành hành động thiết thực.

Vì vậy, Việt Nam hoan nghênh chủ đề của Hội nghị COP29: Đoàn kết vì một thế giới xanh (In solidarity for a green world) với hai trụ cột Nâng cao tham vọng và Kích hoạt hành động (Enhance Ambition, Enable Action).

VIỆT NAM THỂ HIỆN BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG VỚI KẾ HOẠCH QUỐC GIA THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trong khuôn khổ COP29, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì sự kiện về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật của Việt Nam.

Cùng với 59 quốc gia đã hoàn thành và công bố NAP, đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong xây dựng các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cả hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội và con người.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP29.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP29.

Phát biểu tại sự kiện, ông Thành cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo hướng dẫn từ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) vào năm 2020, triển khai Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia.

NAP xác định các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cụ thể cho 7 lĩnh vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển đô thị và nhà ở; du lịch; sức khỏe cộng đồng và công thương.

Sau thời gian thực hiện, Việt Nam đã tiến hành rà soát, cập nhật NAP trên cơ sở thực tiễn, các kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2020- 2023 và các cam kết mới của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã chủ động huy động mọi nguồn lực trong nước để thực hiện NAP hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, công nghệ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu chủ yếu huy động từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cộng đồng.

Trong Kế hoạch cập nhật, Việt Nam điều chỉnh mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phù hợp với nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các chiến lược, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo 3 mục tiêu chính: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững (76 nhiệm vụ); giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (33 nhiệm vụ); hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (53 nhiệm vụ).

NAP cập nhật cũng bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về áp dụng các mô hình phát triển sinh kế bền vững, mô hình thích ứng dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng; cùng với các nhiệm vụ, giải pháp góp phần giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút sự tham gia và đầu tư của khối tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy vai trò của thanh thiếu niên, phụ nữ và cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Rohini Kohli, Cố vấn cấp cao của UNDP coi NAP cập nhật là "tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu", giúp Việt Nam khai thác hiệu quả các nguồn lực và hướng tới tương lai bền vững.

“Là quốc gia dễ bị tổn thương, Việt Nam cần đóng vai trò chủ động trong các cuộc đàm phán quốc tế về tổn thất và thiệt hại, góp phần vào việc xây dựng các giải pháp giảm thiểu tổn thất và thiệt hại công bằng và hiệu quả thông qua hợp tác đa phương, bà nhấn mạnh. "UNDP cam kết hỗ trợ hợp tác để thu hút các cơ chế tài chính quốc gia”, chuyên gia UNDP nhấn mạnh.

Trước đó, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại COP 29 đã có buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD).

Tại buổi làm việc, ông Tấn cũng đã chia sẻ tiến độ cập nhật NAP, NDC 3.0 của Việt Nam. Trong khi đó, bà Hammill cho biết báo cáo đánh giá NAP toàn cầu đầu tiên sẽ được công bố khoảng cuối tháng 12/2024.

VIỆT NAM ĐỀ XUẤT 3 VẤN ĐỀ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP 29, đoàn Việt Nam đề xuất 3 vấn đề về biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện trách nhiệm của mình; phải cắt giảm mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” trước năm 2040, sớm hơn đáng kể so với các nước đang phát triển.

Mức đóng góp tài chính khí hậu cần đạt 1000 tỷ USD mỗi năm cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 để các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi công bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. Nguồn lực tài chính dành cho thích ứng phải tương xứng cho giảm nhẹ, phải minh bạch, có thể kiểm chứng, thuận lợi trong tiếp cận.

Thứ hai, các quốc gia cần triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho giai đoạn hiện nay và khẩn trương xây dựng NDC3.0 cho giai đoạn tiếp theo. Thực hiện tốt những gì đã cam kết sẽ tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia và khai thông những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong đàm phán ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.

Thứ ba,cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của Liên Hợp quốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thực hiện Sáng kiến về Cảnh báo sớm cho tất cả (Early Warning for all) với trọng tâm là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hoàn thiện Hệ thống Cảnh báo sớm, ứng phó với thiên tai.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc với Viện quốc tế về Phát triển bền vững, ông Tấn lại đề xuất các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam trong việc việc xây dựng chiến lược huy động nguồn lực từ khối tư nhân trong triển khai NAP, NDC; hoàn thiện Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá đồng lợi ích về đa dạng sinh học trong triển khai NAP và NDC; thiết lập và vận hành thị trường carbon.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường- Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại COP 29 tại buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD).

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường- Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại COP 29 tại buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD).

Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm các nước về xây dựng, hoàn thiện khung Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Điều này rất quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch và giúp huy động nguồn lực từ khối tư nhân tham gia thực hiện NAP. Việc cập nhật NDC 3.0 cũng sẽ xem xét bổ sung vào hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu nhiều nội dung hơn về đa dạng sinh học, đồng lợi ích cho các bên liên quan.

Ông Tấn cho biết về thị trường carbon, lộ trình của Việt Nam là sẽ vận hành thị trường trong nước từ năm 2025 và sau đó kết nối với thị trường quốc tế. Trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025– 2027, việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số lĩnh vực phát thải lớn và vận hành thử nghiệm thị trường sẽ được thực hiện.

Bày tỏ hoan nghênh Việt Nam đã triển khai nhanh chóng các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, bà Hammill cũng khẳng định cam kết của Viện quốc tế về Phát triển bền vững trong việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai mạnh mẽ các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, thiết lập thị trường carbon.

IISD hiện đang có dự án mới về dấu chân carbon khu vực châu Á, dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam, Indonesia, Philippines. IISD đề xuất sẽ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo quốc tế liên quan đến nội dung này để tham vấn các nội dung khả thi có thể triển khai tại Việt Nam.

Hai bên cũng thống nhất sẽ giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để đề xuất các nội dung mở rộng hợp tác và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngọc Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-the-hien-buoc-tien-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-tai-cop29.htm
Zalo