Việt Nam sẽ có sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên
VIPO Mall là nền tảng mua sỉ trực tuyến toàn trình, hai chiều, kết nối trực tiếp khách hàng Việt Nam với các nhà cung cấp quốc tế và ngược lại, mà không cần qua trung gian.
Ngày 3/12, Viettel Post công bố sẽ ra mắt VIPO Mall - sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam.
VIPO Mall là nền tảng mua sỉ trực tuyến toàn trình, hai chiều, kết nối trực tiếp khách hàng Việt Nam với các nhà cung cấp quốc tế và ngược lại, mà không cần qua trung gian.
Theo đại diện Viettel Post, VIPO Mall được thiết kế với giao diện tiếng Việt thân thiện và cho phép thanh toán bằng đồng Việt Nam, mang lại trải nghiệm mua sỉ tiện lợi cho người dùng.
Điểm nổi bật của VIPO Mall là khả năng tích hợp toàn bộ quy trình từ tìm kiếm, đặt hàng, thanh toán đến vận chuyển trong một nền tảng duy nhất. Người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng đơn hàng, từ khi đặt mua cho đến lúc hàng được giao qua ứng dụng/web của nền tảng, giúp quản lý mọi giao dịch một cách minh bạch và thuận tiện.
Đặc biệt, tận dụng thế mạnh về logistics từ công ty mẹ Viettel Post, thời gian giao hàng trên VIPO Mall sẽ được rút ngắn từ 3-7 ngày so với các dịch vụ khác trên thị trường, tối ưu được chi phí cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
VIPO Mall cũng là sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam có kết nối hai chiều. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các xu hướng sản phẩm mới nhất trên thế giới và mua sỉ các sản phẩm này với giá hợp lý trên VIPO Mall.
Các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao mở bán trên VIPO Mall, cũng có thể tiếp cận tới hàng triệu khách hàng toàn cầu, thông qua các sàn thương mại điện tử kết nối với sàn VIPO Mall và Viettel Post.
Trong thời gian qua, Viettel Post đã tập trung tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,… nhằm mang lại nguồn hàng phong phú, đa dạng và cập nhật xu hướng mới nhất tại các quốc gia này. VIPO mall sẽ cung cấp giải pháp thương mại điện tử toàn diện, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như sản phẩm nông lâm thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ…
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử "B2C" Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh định hướng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam./.