Việt Nam sẽ có nhà máy, cảng biển, hầm mỏ thông minh nhờ công nghệ 5G

Sau khi thương mại hóa 5G, Việt Nam có thể sớm áp dụng công nghệ 5G vào trong các nhà máy, cảng biển, hầm mỏ thông minh.

Thế giới đang đầu tư lớn vào công nghệ 5G

Theo báo cáo của Hiệp hội Viễn thông toàn cầu (GSMA), 5G sẽ mang lại hơn 930 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Lợi ích của 5G sẽ tập trung vào một số nhóm ngành chính như sản xuất công nghiệp (36%), hành chính công (15%), dịch vụ (10%), CNTT và truyền thông (9%), tài chính (8%),...

Trên thực tế, mỗi quốc gia lại có một cách đi riêng trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ 5G. Mỹ đã đầu tư 1,5 tỷ USD để thúc đẩy phát triển 5G và hỗ trợ thuế cho đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn.

Vương quốc Anh đã đầu tư 40 triệu bảng cho công nghệ 5G phục vụ trong sản xuất. Tại châu Âu cũng đã xuất hiện các dự án thử nghiệm 5G, tiêu biểu là dự án smartPORT - cảng thông minh Hamburg (Đức).

Dịch vụ 5G đã được thương mại hóa tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Dịch vụ 5G đã được thương mại hóa tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc hiện hỗ trợ 2-3% về thuế cho việc phát triển 5G. Hàn Quốc còn triển khai các dự án thử nghiệm 5G, đầu tư vào các cụm cảng thông minh.

Trung Quốc là một trong những quốc gia sốt sắng nhất trong việc triển khai 5G. Nước này đã lên kế hoạch “Giăng buồm 2021 - 2023”, định hướng phát triển 5G cho các ngành dọc như sản xuất, cảng biển.

Các địa phương cấp tỉnh tại Trung Quốc cũng đã ban hành các chính sách cụ thể như trợ giá xây dựng hạ tầng, phối hợp công tư, gỡ rối hành chính, tổ chức thi đua... để thúc đẩy việc triển khai 5G.

Tại Việt Nam, năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G với việc đấu giá thành công các băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz), C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz) cho các nhà mạng. Ngay sau sự kiện này, Việt Nam cũng đã có nhà mạng triển khai thương mại hóa, chính thức cung cấp dịch vụ 5G.

Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc: "Có doanh nghiệp đã lên kế hoạch nâng số trạm 5G của mình đến 2025 đạt 50% số trạm 4G”.

Việt Nam có thể ứng dụng 5G trong nhà máy, cảng biển, hầm mỏ

Chia sẻ tại Internet Day 2024, ông Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc giải pháp 5G2B, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, cho hay nhu cầu của các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ mới là tăng năng suất, giảm thiểu các rủi ro, tối ưu chi phí cho hoạt động sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ kết nối mới như 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển.

Chia sẻ một ví dụ thực tế, ông Hùng cho biết Trung Quốc hiện đã có những nhà máy sản xuất smartphone ứng dụng 5G. Trong các nhà máy 5G, 90% công đoạn sản xuất được tự động hóa.

Nhờ ứng dụng 5G trong nhận diện hình ảnh để phát hiện lỗi, sử dụng hệ thống AI để ra quyết định cho dây chuyền sản xuất,... số lượng sản phẩm lỗi tại các nhà máy 5G giảm xuống mức rất thấp.

Không chỉ vậy, đặc thù của các nhà máy này là phải thay đổi cách sắp xếp dây chuyền sau mỗi 3-6 tháng. Nếu theo mô hình cũ, sử dụng kết nối có dây, họ sẽ phải dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất trong khoảng 10-15 ngày. Với 5G, công đoạn trên chỉ mất khoảng 3 ngày.

Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất. Ảnh: Lê Anh Dũng

Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo vị chuyên gia này, số lượng kết nối IoT cần thiết trong một nhà máy, cảng biển là rất lớn. Đây là những nơi có thể sớm triển khai ứng dụng công nghệ 5G.

Với số lượng kết nối lớn, trong một vùng phủ rộng, công nghệ kết nối hiện tại như Wi-Fi hay kết nối có dây khó tạo ra lợi thế về việc tối ưu chi phí, tăng năng suất, giảm rủi ro. Công nghệ 5G sẽ là chất dẫn để giúp việc triển khai các kết nối IoT được trơn tru, hiệu quả”, ông Hùng nói.

Tại các nhà máy, cảng biển, công nghệ 5G có thể ứng dụng trong việc kết nối các hệ thống camera thông minh nhằm giám sát hành vi của người lao động, kết nối hệ thống cảm biến để giám sát liên tục, từ đó thực hiện việc bảo trì bảo dưỡng thiết bị một cách có kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, tại Trung Quốc hiện có hàng chục nghìn các kịch bản sử dụng (use case) 5G. Trong đó, nhiều nhất là các use case về nhà máy thông minh (chiếm khoảng 17,6%). Các use case về game, giải trí, chăm sóc sức khỏe hiện chiếm khoảng hơn 9%.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone chia sẻ về các use case 5G. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone chia sẻ về các use case 5G. Ảnh: Trọng Đạt

Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone cho hay, ứng dụng trong các hầm mỏ thông minh là một trong những use case riêng biệt của Trung Quốc. Các thợ mỏ thường làm việc ở độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất, nơi sóng Wi-Fi không thể vươn tới.

Những người thợ mỏ có thể sử dụng chiếc máy tính bảng chuyên dụng có kết nối 5G để tránh bị lạc, tìm đường và thực hiện công việc của mình. Công nghệ 5G cũng có thể đóng vai trò kết nối hàng trăm chiếc xe tự lái hoạt động 24/7 trong các hầm mỏ thông minh.

5G còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, du lịch nhập vai (livestream qua kính thực tế ảo), trong học tập từ xa, điều khiển drone trong nông nghiệp, hỗ trợ bác sĩ thực hiện ca mổ từ xa, triển khai các mạng 5G private trong nhà máy thông minh,... Công nghệ này sẽ đóng vai trò chất xúc tác để triển khai các dự án chuyển đổi số, thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên.

Triển lãm Internet Day 2024 với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI)" là sự kiện thường niên do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ TT&TT) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-co-nha-may-cang-bien-ham-mo-thong-minh-nho-cong-nghe-5g-2346253.html
Zalo