Việt Nam phải chi 368 tỷ USD cho phát triển xanh

Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tại hội nghị Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi mới chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức chiều 4/7, tại TPHCM.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Phải phát triển xanh vì tư duy phát triển đã thay đổi về chất”. Qua đó ông Thành cho rằng, phát triển xanh là mệnh lệnh do thị trường tiêu dùng đưa ra. Nếu không phát triển xanh, sản phẩm Việt sẽ gặp khó vì thị trường tiêu dùng sẽ loại bỏ.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ về tầm quan trọng trong phát triển xanh.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ về tầm quan trọng trong phát triển xanh.

Phát triển xanh cơ hội nhiều nhưng cũng không ít thách thức. Theo đó, đến năm 2040 Việt Nam phải chi khoảng 368 tỷ USD đầu tư bổ sung; cộng dồn đến năm 2050, Việt Nam mất khoảng 13 – 19% GDP; Việt Nam sẽ bị giảm 30% giá trị xuất khẩu so với bây giờ khi thâm nhập vào thị trường các nước phát triển.

Đồng quan điểm với TS. Thành, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh khu vực TPHCM cũng nhận xét, có thách thức thì cũng có mầm mống cơ hội.

Qua nghiên cứu, ông Nam thấy rằng, các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ.

Vị này dẫn chứng, sắp tới đây, mặt hàng thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường phải có tín chỉ carbon. Và, đến năm 2034, tất cả các mặt hàng của các nước khi vào thị trường châu Âu (EU) cũng phải đảm bảo các tiêu chí liên quan đến tín chỉ carbon.

Các chuyên gia và doanh nghiệp bàn về phát triển xanh đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Các chuyên gia và doanh nghiệp bàn về phát triển xanh đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Với vai trò là đơn vị hỗ trợ xúc tiền thương mại, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM nhận định, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu.

Ngành dệt may Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực chuyển đổi xanh trong sản xuất.

Ngành dệt may Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực chuyển đổi xanh trong sản xuất.

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tính chung 06 tháng năm 2024 có nhiều điểm sáng, và đặc sắt, ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng năm 2024, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD gồm: Điện tử, máy tính, linh kiện; điện thoại, linh kiện; máy móc thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện và vận tải phụ tùng. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Asean, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/viet-nam-phai-chi-368-ty-usd-cho-phat-trien-xanh-10284806.html
Zalo