Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán
Kiểm toán nhà nước vừa tiếp xã giao và tổ chức Hội nghị chuyên môn giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Kiểm toán nhà nước Lào.
Vun đắp mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt - Lào
Sáng 17/7, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi tiếp xã giao Đoàn Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào do Chủ tịch Viengthavisone Thephachanh làm Trưởng đoàn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp xã giao Đoàn Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào do Chủ tịch Viengthavisone Thephachanh làm Trưởng đoàn. Ảnh: Xuân Hồng
Tại buổi tiếp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh và hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao Kiểm toán nhà nước Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 16 - 20/7/2025.
Thông tin về hoạt động của Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp mới tại Việt Nam, Kiểm toán nhà nước đã sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số lượng Kiểm toán nhà nước khu vực. Về công tác đảng, Đảng bộ Kiểm toán nhà nước là đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Quốc hội kể từ tháng 2/2025 và đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Kiểm toán nhà nước lần thứ VIII đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030 với 4 trụ cột: Thứ nhất, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước, trong đó xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tới, tầm nhìn 2040 - 2045, nghiên cứu sửa Luật Kiểm toán nhà nước vào năm 2027. Thứ ba, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Thứ tư, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xã giao Kiểm toán nhà nước Lào. Ảnh: Xuân Hồng
Về hoạt động kiểm toán, đến thời điểm này, Kiểm toán nhà nước đã triển khai 118/156 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch và cơ bản kết thúc các Đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 của các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã rà soát, sắp xếp nhân lực, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động có liên quan. Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã thí điểm ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo các phát hiện, kiến nghị kiểm toán được chính xác.
Cảm ơn những chia sẻ của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh bày tỏ niềm vui mừng khi Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước Lào có cơ hội sang thăm và làm việc tại Kiểm toán nhà nước Việt Nam, cảm ơn các đồng nghiệp Kiểm toán nhà nước Việt Nam luôn đồng hành và hợp tác với Kiểm toán nhà nước Lào trong suốt thời gian qua. “Chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn công tác Kiểm toán nhà nước Lào sẽ góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào”, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình hoạt động của Kiểm toán nhà nước Lào, 6 tháng đầu năm 2025, Kiểm toán nhà nước Lào đã tiến hành kiểm toán 108/154 đơn vị, đạt trên 70% kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán, Kiểm toán nhà nước Lào luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Kiểm toán nhà nước Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác đào tạo, tập huấn đối với những chủ đề kiểm toán mà hai bên cùng quan tâm.

Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh tại buổi tiếp xã giao. Ảnh: Xuân Hồng
Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào cũng cho biết: Một trong những thách thức của Kiểm toán nhà nước Lào là việc tổ chức theo dõi, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, hiện nay, Kiểm toán nhà nước Lào chưa có điều kiện vận dụng AI vào hoạt động kiểm toán. Hiến pháp Lào sửa đổi đã bổ sung vai trò của cơ quan kiểm toán trong việc tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương. “Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ quý báu của Kiểm toán nhà nước Việt Nam về các vấn đề này”, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh cũng gửi lời chúc mừng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập, chúc mừng những kết quả quan trọng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công
Cũng trong sáng 17/7, hai Cơ quan Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội nghị chuyên môn với chủ đề “Việc tham gia của Kiểm toán nhà nước vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước và Cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán”. Đây là dịp để hai bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu và trao đổi những cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công. Thông qua đó, Hội nghị không chỉ làm rõ hơn vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong việc tham gia lập kế hoạch ngân sách và giám sát tài chính công, mà còn khẳng định trách nhiệm chung trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

Hội nghị chuyên môn giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Kiểm toán nhà nước Lào với chủ đề “Việc tham gia của Kiểm toán nhà nước vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước và Cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán”. Ảnh: Xuân Hồng
Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Thứ nhất, về sự tham gia của Kiểm toán nhà nước vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước. Đây là chủ đề khẳng định vai trò và sự đóng góp của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong quá trình các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ “xem xét dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước”. Những đóng góp này giúp đảm bảo việc sử dụng ngân sách quốc gia một cách hiệu quả, đúng mục tiêu và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo tính hiệu lực và giá trị thực tiễn của kết luận kiểm toán. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo về tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Giá trị của báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Do đó, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ giúp nâng cao chất lượng quản lý tài chính công mà còn góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, lành mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có 2 bài trình bày về: Việc tham gia của Kiểm toán nhà nước vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước; Cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trong đó, về việc tham gia của Kiểm toán nhà nước vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết: Việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương là một trong những chức năng hiến định quan trọng của Quốc hội, thể hiện vai trò trung tâm trong giám sát và quyết định chính sách tài chính quốc gia.
Vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc xây dựng, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch phân bổ ngân sách trung ương đã được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương giúp: Quốc hội có thông tin độc lập, khách quan từ Kiểm toán nhà nước trong việc xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương; Chính phủ có thông tin phản biện khách quan trong việc lập, hoàn thiện báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương trình Quốc hội; các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có thông tin khách quan trong việc lập dự toán thu chi ngân sách hằng năm, đảm bảo tính kinh tế, khả thi của dự toán ngân sách nhà nước; xã hội có thông tin khách quan, độc lập trong việc đánh giá dự toán ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm giải trình; Kiểm toán nhà nước khẳng định vai trò và vị thế của Kiểm toán nhà nước, hướng tới giá trị cốt lõi “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”.

Đại diện Kiểm toán nhà nước Việt Nam chia sẻ về nội dung theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: Xuân Hồng
Liên quan đến nội dung theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, đại diện Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã không ngừng cải tiến phương pháp, quy trình theo dõi để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán, xem đây là một nhiệm vụ chiến lược nhằm gia tăng giá trị và tác động của hoạt động kiểm toán đối với xã hội và nền kinh tế.
Với sự nỗ lực, quyết liệt của Kiểm toán nhà nước, sự quan tâm, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm cao của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Về cơ bản, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15 - 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Đặc biệt, những năm gần đây kết quả thực hiện kiến ghị kiểm toán tăng cao. Đơn cử, năm 2024, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt 83,35%, trong đó kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ 93,62%; kiến nghị khác đạt tỷ lệ 75,68%.
Để đạt được kết quả trên, Kiểm toán nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm theo hướng tinh gọn, số lượng các cuộc kiểm toán giảm đáng kể so với giai đoạn trước để tập trung thực hiện có chiều sâu với phương châm “gọn nhưng chất lượng”; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; đảm bảo đồng bộ các quy trình văn bản hướng dẫn kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Từ thực tiễn triển khai theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đúc kết một số bài học: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; việc theo dõi cần thực hiện thường xuyên liên tục và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị thông suốt trong hệ thống của Kiểm toán nhà nước; xác định trách nhiệm theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ là trách nhiệm riêng của Kiểm toán nhà nước mà còn là trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan dân cử…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hồng
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đã làm rõ thêm một số nội dung mà Kiểm toán nhà nước Lào quan tâm liên quan đến các nội dung trọng tâm mà Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mong rằng những nội dung mà Kiểm toán nhà nước Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị sẽ hỗ trợ, giúp ích cho Kiểm toán nhà nước Lào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhân dân Lào giao phó; đồng thời đề nghị hai Cơ quan tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào sẽ tiếp kiến Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.