Việt Nam không ngừng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người

Trong suốt 40 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người - một trong những mục tiêu cốt lõi và xuyên suốt của sự phát triển bền vững. Những thành tựu đó là kết quả của một quá trình không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội; đồng thời cũng là lời bác bỏ mạnh mẽ mọi âm mưu xuyên tạc, phủ nhận, lợi dụng vấn đề nhân quyền nhằm chống phá đất nước ta.

Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người

Quyền con người là một phạm trù đa diện, do đó có nhiều định nghĩa khác nhau, theo một tài liệu của Liên hợp quốc, có đến gần 50 định nghĩa về quyền con người đã được công bố. Dù vậy, tất cả đều có chung quan điểm quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc, được ghi nhận và bảo vệ bằng luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và hai Công ước về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị).

Với Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong suốt tiến trình cách mạng. Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013, đều khẳng định quyền con người và quyền công dân đều được tôn trọng và bảo đảm. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do mà đó còn là nền tảng cho sự phát triển của quyền con người.

Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam cũng khẳng định quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất: “quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình”. Sau khi đất nước thống nhất, trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đó là Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước Quốc tế về các quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT).

Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản trên, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế. Việc tham gia các công ước quốc tế về quyền con người là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Không chỉ tham gia ngày càng nhiều các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn nghiêm túc, trách nhiệm trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên các công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế. Qua đó, các quyền con người được quy định ngày càng cụ thể và toàn diện hơn trong luật pháp quốc gia của nước ta.

Đặc biệt, tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” và sau đó là hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Từ đạo luật gốc Hiến pháp 2013, Việt Nam đến nay đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Các cam kết quốc tế cùng thể chế hóa bằng pháp luật đã đi vào cuộc sống để không ngừng thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tại nước ta. Trên nền tảng pháp pháp lý ngày càng hoàn thiện, Đảng, Nhà nước Việt Nam nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đạt được thành tựu to lớn trong xây dựng đất nước, trong đó có thành tựu trong bảo đảm quyền con người.

Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Với những quyết sách đúng đắn, sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, từ quy mô nhỏ bé 14 tỷ USD năm 1985, đến năm 2024 đạt 476 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 34 trên thế giới. Cùng với những thành tựu to lớn kinh tế, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn khẳng định và nhất quán thực thi phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần” như Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”.

Tính từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Với các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” tới hết tháng 9-2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc là 1,93%, giảm 1%. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực, trong thời gian ngắn đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS… luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong gần 30 năm qua, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng HDI cao nhất trên thế giới. Nhìn vào các tiêu chí quan trọng để xác định chỉ số HDI là tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ… để thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam.

Việt Nam hiện đứng thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững (SDGs), tăng 1 bậc so với năm 2023. Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Thành tựu về quyền con người của Việt Nam không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là kết tinh của một quá trình nỗ lực bền bỉ, liên tục. Trong thư gửi đến Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” diễn ra hồi tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Thực hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt về quyền con người là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-khong-ngung-thuc-day-bao-ve-quyen-con-nguoi-post617854.antd
Zalo