Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang phát triển ở châu Á về cá cược

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang phát triển ở châu Á về cá cược, đứng đầu là Philippines.

Đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế hoàn toàn kiểm soát được

Kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế là xu thế chung và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Hiện ngành này có tổng doanh thu toàn cầu lên tới hàng trăm tỷ USD.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển ngành kinh doanh này.

Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, đến nay Nghị định 06 của Chính phủ vẫn chưa đi vào cuộc sống. Điều này dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội.

 Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Việt Vũ)

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Việt Vũ)

Để khắc phục tình trạng này, ngày 8/4/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1035 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đã đề ra nhiệm vụ cho Chính phủ, Bộ Tài chính cần hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng.

Theo Nghị quyết 1035 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chậm nhất năm 2025, phải hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Tại Hội thảo "Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế" diễn ra vào chiều 28/11, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: Việc kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế đã có hành lang pháp lý, hoàn toàn quản được nhưng một số bộ không muốn thực hiện.

Có thể, việc đặt cược thể thao, gây ra hậu quả tiêu cực, nhiều vụ cá cược bóng đá phi pháp có yếu tố quốc tế của một số tổ chức với sự tham gia của quan chức nhà nước, đầu nậu trong nước và nước ngoài, một số người ham mê cờ bạc, làm thất thoát hàng tỷ USD, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về vốn, nhân lực và công nghệ, thất thu ngân sách nhà nước.

“Quốc hội, Chính phủ đã ban hành quy định, Nghị định liên quan tới về vấn đề này, thậm chí quy định rất rõ đối tượng áp dụng. Vấn đề là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh”, GS.TS Nguyễn Mại nói.

Trên thực tế, việc kinh doanh đặt cược trong trường đua ngựa và đua chó cũng đã được thực hiện thí điểm trong nhiều năm chưa từng xảy ra sự cố, không gây hậu quả và tệ nạn xã hội.

“Điều đó cho thấy không cần thiết phải kéo dài giai đoạn thí điểm đặt cược trong trường đua, mà nên tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm áp dụng các phương thức phân phối vé ngoài trường đua nhằm bù đắp chi phí và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước”, ông Mại nhấn mạnh.

Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang phát triển ở châu Á về cá cược

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang phát triển ở châu Á về cờ bạc, đứng đầu là Philippines.

TS Cấn Văn Lực phân tích rõ hơn về vấn đề này: Thế giới hiện nay ghi nhận doanh số các trò chơi, hoạt động liên quan đến cá cược là 70 tỷ USD, dự báo tăng lên 141 tỷ USD đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng là 11,5%/năm.

Với thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng. Trong đó, một công ty từ Anh đánh giá doanh thu cá cược Việt Nam (khu vực chính thức và không chính thức) tương đương 3-5% GDP.

“Dù vậy, câu chuyện pháp lý khi Việt Nam quản lý tương đối chặt, nên từ năm 2017 không phát triển được. Chúng ta vẫn coi cá cược là xấu. Thực tiễn, đây là nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần và du lịch của chúng ta. Tiếp theo là tính bảo mật. Thứ ba là tính ảnh hưởng đến xã hội, quản lý không tốt gây ra nghiện, lừa đảo, tác động tiêu cực đến xã hội”, ông Lực nói.

Theo kinh nghiệm từ quốc tế, qua khảo sát 5 nước, TS Cấn Văn lực đưa ra 4 vấn đề, thứ nhất, cá cược là hoạt động đem lại doanh thu ngày càng lớn, đóng góp quan trọng cho du lịch, giải trí.

Thứ hai, các nước thường áp dụng giai đoạn thử nghiệm (từ 3-5 năm) và chính thức.

Thứ ba, các nước có quy định tương đối chặt chẽ như giới hạn số lượng doanh nghiệp được tham gia và quy định chặt chẽ người chơi (có nước quy định trên 18 tuổi hoặc 21 tuổi).

Thứ tư, về hình thức đặt cược, các nước cho áp dụng cả trực tiếp và trực tuyến. Chúng ta nên cho phép trực tuyến và nghĩ cách để quản lý thay vì cấm hoàn toàn.

Trước những tiềm năng đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Về trách nhiệm của các bộ, ngành, nhóm nghiên cứu đề xuất nên chuyển đầu mối quản lý hoạt động kinh doanh đặt cược về Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò đơn vị quản lý các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bởi kinh doanh đặt cược bản chất là các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần được được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư.

Bổ sung vai trò của các bộ, ngành phối hợp với bộ chủ trì; ngoài ra nên bổ sung một mục trong Chương VII về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về kinh doanh đặt cược và ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động kinh doanh đặt cược gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-dung-thu-4-trong-20-quoc-gia-dang-phat-trien-o-chau-a-ve-ca-cuoc-post323312.html
Zalo