Việt Nam cần những doanh nghiệp dẫn dắt bằng sản xuất lớn, dịch vụ lớn
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là công cụ để doanh nghiệp đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, nâng cao cạnh tranh.
Sáng 12/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021 - 2023.
Trong năm 2024, Thủ tướng ký 3 quyết định trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho các doanh nghiệp đạt giải từ năm 2021 - 2023. Theo đó, năm 2021 có 61 doanh nghiệp được vinh danh, trong đó 19 doanh nghiệp nhận Giải Vàng. Năm 2022, 49 doanh nghiệp được trao giải với 22 Giải Vàng.
Đến năm 2023, con số này là 23 doanh nghiệp, trong đó có 11 Giải Vàng. Tính đến nay, tổng cộng đã có 2.163 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng này.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết qua 28 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các tổ chức/doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội; Tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp xuất sắc, duy trì ổn định một cách toàn diện và khẳng định được vị thế cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, nhờ quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tối ưu và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, với vai trò là cơ quan thường trực của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động liên quan đến giải thưởng này.
Theo Thứ trưởng, cần định hướng để các doanh nghiệp tiếp cận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như công cụ quan trọng trong việc đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Thông qua các tiêu chí của giải thưởng, doanh nghiệp có thể nhận diện những điểm cần cải thiện, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Đây chính là giá trị cốt lõi mà giải thưởng mang lại khi được áp dụng vào quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay từ những doanh nghiệp được vinh danh. Hoạt động này không chỉ lan tỏa các bài học thành công mà còn thúc đẩy sự phát triển chung trong cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm của các đơn vị đạt giải trong việc góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bền vững.
Chia sẻ tại họp báo, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, nhấn mạnh rằng cơ cấu giải thưởng có 2 nhánh chính là sản xuất lớn - dịch vụ lớn và sản xuất nhỏ - dịch vụ nhỏ. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất lớn - dịch vụ lớn, và đặc biệt là những doanh nghiệp dẫn dắt, được giải thưởng công nhận càng có vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế, chủ yếu ở những phân khúc giá trị thấp. “Do vậy, dòng tiền chảy vào Việt Nam chưa nhiều", ông nhấn mạnh.
Theo ông Toàn, để Việt Nam tiến xa hơn, cần có những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế. “Một ví dụ là ngành bán dẫn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực này là cơ hội lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ tham gia thế nào để tương lai trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Nếu không có doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh, các ông lớn quốc tế chỉ vào thuê lao động chúng ta".
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT hay Viettel, những đơn vị có khả năng dẫn dắt. “Doanh nghiệp dẫn dắt không chỉ lớn mạnh mà còn kéo theo hàng loạt doanh nghiệp con tham gia vào chuỗi giá trị, tạo ra hệ sinh thái phát triển đồng bộ”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Toàn cũng đánh giá cao vai trò của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trong việc phát hiện những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao và tiềm năng dẫn dắt trong các ngành hàng, lĩnh vực. “Nếu một doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn và tiêu chí dẫn dắt, đó là tín hiệu rất quý giá cho quá trình phát triển kinh tế”, ông nói.
Kết luận, ông Toàn nhấn mạnh rằng việc nắm bắt và phát triển công nghệ là yếu tố sống còn để Việt Nam bứt phá. “Chúng ta muốn phát triển, phải có những doanh nghiệp đầu đàn, xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ như cách mà Hàn Quốc hay Trung Quốc đã làm”, ông khẳng định.