Viện kiểm sát đề nghị lại mức án đối với Nguyễn Văn Hậu và một số bị cáo do nộp tiền khắc phục hậu quả
Sáng 4/7, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc và một số địa phương liên quan bất ngờ quay lại phần xét hỏi, thay vì tuyên án như dự kiến do xuất hiện tình tiết mới. Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp 768 tỉ đồng khắc phục hậu quả thay bị cáo Nguyễn Văn Hậu. Do vậy, Viện kiểm sát đề nghị lại mức án đối với một số bị cáo.
Phiên tòa quay lại phần xét hỏi
Trước giờ tuyên án, HĐXX TAND TP Hà Nội bất ngờ thông báo quay lại phần xét hỏi. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Tòa án và Viện kiểm sát nhận được biên lai thể hiện Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp 768 tỉ đồng vào Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để khắc phục hậu quả vụ án thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn này.

Phiên tòa quay lại phần xét hỏi vào sáng 4/7. Ảnh: Hồng Nguyên.
Khoản tiền này đến từ một đối tác đã ký hợp đồng mua 196 lô đất trong số hơn 800 lô đất của bị cáo Hậu đang bị hạn chế giao dịch. Đại diện Tập đoàn Phúc Sơn xác nhận, việc nộp tiền là để khắc phục hậu quả thay cho bị cáo Hậu theo đúng nội dung cáo trạng mà VKSND tối cao đã truy tố.
Khi được gọi lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã bật khóc, nghẹn ngào cho biết, bản thân chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi đêm, khóc đến nỗi nằm nghiêng bên phải thì ướt hết tay phải, nằm nghiêng bên trái thì ướt hết tay trái... Bị cáo Hậu nói, đây là điều bị cáo mong mỏi suốt quá trình điều tra, xét xử và không quên gửi lời cảm ơn đến Tòa án, Viện kiểm sát vì đã tạo điều kiện cho việc khắc phục hậu quả.
“Cảm ơn Tòa, cảm ơn Viện kiểm sát đã cho tôi cơ hội sửa sai, cũng là để giảm bớt trách nhiệm hình sự cho 40 bị cáo khác vì tôi mà họ bị liên đới. Tôi mong Tòa hãy cân nhắc xem xét giảm mức hình phạt cho các bị cáo dưới mức Viện kiểm sát đã đề nghị”, bị cáo Hậu trình bày.
Viện kiểm sát đề nghị lại mức án
Trước tình tiết này, đại diện Viện kiểm sát đánh giá, đây là một tình tiết giảm nhẹ rất quan trọng, thể hiện tinh thần ăn năn, khắc phục hậu quả tích cực của bị cáo. Do vậy, Viện kiểm sát đã đề nghị lại mức án đối với ông Hậu theo hướng giảm nhẹ.

Đại diện Viện kiếm sát đề nghị lại mức án tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Hồng Nguyên.
Cụ thể, về tội “Đưa hối lộ”, theo đề nghị trước đó là từ 17-18 năm tù giảm xuống còn 14-15 năm; về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo đề nghị trước đó là từ 15-16 năm, giảm xuống còn 11-12 năm; về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” từ 11-12 năm xuống còn 7-8 năm tù. Tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội, bị cáo Nguyễn Văn Hậu phải chấp hành là 30 năm tù, mức án cao nhất trong số 41 bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đã tự nguyện nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2008-2023, Nguyễn Văn Hậu đã chỉ đạo thực hiện 14 dự án, gói thầu tại 3 tỉnh, với thủ đoạn đưa hối lộ để thao túng lãnh đạo địa phương, từ đó thâu tóm các gói thầu lớn.
Tổng số tiền mà bị cáo Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn đưa cho các lãnh đạo bị truy tố là 132 tỉ đồng. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị cáo buộc nhận 25 tỉ đồng và 1 triệu USD để "chống lưng" cho Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu hàng loạt dự án. Hậu quả của các hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.160 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Hồng Nguyên.
Do hậu quả của vụ án đã được khắc phục nên Viện kiểm sát cũng đã đề nghị giảm án cho 8 bị cáo, trong đó có các cựu lãnh đạo tỉnh như bị cáo Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), bị cáo Phùng Quang Hùng và bị cáo Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) từ mức đề nghị cũ là 4 năm đến 4 năm 6 tháng, xuống còn 3 đến 4 năm tù.
Tuy nhiên, nhóm bị cáo từng giữ vị trí cao nhất, có vai trò chủ mưu như Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở giao thông vận tải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũ)... không nằm trong danh sách được đề nghị giảm án.
Viện kiểm sát đánh giá, tuy đã có một số bị cáo khắc phục hậu quả, nhưng bản chất hành vi vi phạm là nghiêm trọng, có tính hệ thống, xuất phát từ sự suy thoái về đạo đức, động cơ vụ lợi, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bộ máy công quyền.

Các bị cáo ngồi 3 hàng ghế phía trên tại phiên tòa sáng 4/7. Ảnh: Hồng Nguyên.
Việc Viện kiểm sát thay đổi mức án đã đề nghị trước đó là minh chứng cho quan điểm xử lý hình sự có lý, có tình, ghi nhận sự ăn năn hối cải và thiện chí khắc phục thiệt hại của các bị cáo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bỏ qua hậu quả to lớn mà vụ án gây ra.
Sau khi Viện kiểm sát đề nghị giảm án, một số luật sư đã tranh luận, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hơn nữa cho các bị cáo. Đặc biệt, luật sư của bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng thân chủ đã vận động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền nhận trái pháp luật, và do hậu quả đã được khắc phục nên đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, luật sư của Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét cho thân chủ của mình rất ăn năn, hối cải, đã khắc phục hậu quả nhanh chóng để đưa ra mức án thấp hơn nhiều nữa so với mức án mà Viện kiểm sát đã đề nghị.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà thông báo, HĐXX sẽ tiếp tục nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 11/7.