Viêm da mặt kéo dài, người bệnh bất ngờ phát hiện nhiễm ký sinh trùng Demodex
Sau thời gian dài điều trị trứng cá mà không khỏi, bệnh nhân mới được phát hiện ra nguyên nhân viêm da do ký sinh trùng Demodex.
Hai năm nay, nam bệnh nhân P.M.Q. (44 tuổi, Hà Nội) xuất hiện mẩn đỏ vùng mặt, đôi khi có ngứa, nhất là sau khi uống rượu. 2 tuần gần đây thấy nổi mẩn đỏ, mụn viêm kèm tình trạng ngứa nhiều hơn, anh Q. đến Bệnh viện đa khoa Medlatec thăm khám.
Tại đây, bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định các kỹ thuật cần thiết phục vụ chẩn đoán. Khám da liễu phát hiện da vùng mặt có nhiều sẩn đỏ, mụn viêm, trợt da, đóng vảy tiết. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện kỹ thuật soi tươi. Kết quả phát hiện 12 Demodex trên tiêu bản.
Chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc viêm da do Demodex. Anh B. được bác sĩ cho sử dụng thuốc đặc trị và điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt, hiện tại tình trạng mẩn đỏ và ngứa đã hết hẳn.

Tổn thương viêm da của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu, Trưởng Chuyên khoa Da liễu, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, Demodex là loại có sẵn trên da của chúng ta, thuộc họ ve, rận, ngành chân khớp. Demodex dễ dàng lây truyền từ người này qua người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng hằng ngày như gối, khăn mặt, khăn tắm…
Demodex có thể sống mọi nơi trên cơ thể nơi có nang lông và tuyến bã, nhiều nhất ở mặt đặc biệt ở mũi, trán, cằm và má. Những khu vực này có điều kiện thích hợp nhất để chúng sống, sinh sản và là nơi có nhiệt độ thuận lợi nhất cho sự phát triển. Chúng hút chất dinh dưỡng và làm hư hại tế bào. Sau khi giao phối chúng đào hang vào da, đẻ trứng, gây nên nhiễm khuẩn và nhiễm trùng da.
Trong suốt giai đoạn của chu kỳ sống của chúng, những con ve phá hủy da, bài tiết chất thải, đẻ trứng và chết. Sau khi chết, xác chết của chúng trở thành chất lỏng và phân hủy bên trong da gây ra phản ứng dị ứng.
Khi bị ký sinh trùng Demodex tấn công, biểu hiện là các tổn thương da như mụn trứng cá, thậm chí ở thanh niên còn nghĩ rằng do các vấn đề của dậy thì gây ra. Người bệnh cũng có cảm giác châm chích, kiến bò trên da mặt. Cảm giác này thường xuất hiện trên trán, mũi, má, đặc biệt là vào buổi tối, đây là thời điểm chúng giao phối.
Viêm da do Demodex tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu kéo dài, dễ tái phát và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý. Để phòng ngừa hiệu quả, bác sĩ Trần Thị Thu khuyến cáo bạn đọc nên thực hiện giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với loại da đặc biệt sau khi ra mồ hôi hoặc tiếp xúc với bụi bẩn.
Tránh lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm chứa dầu, hương liệu, cồn hoặc corticoid (thuốc chứa steroid); không bôi nhiều lớp dưỡng hoặc trang điểm dày khiến lỗ chân lông bí tắc tạo điều kiện Demodex sinh sôi;
Vệ sinh vật dụng cá nhân thường xuyên như giặt vỏ gối, khăn mặt, ga giường ít nhất 1–2 lần/tuần bằng nước nóng; không dùng chung đồ cá nhân như khăn, cọ trang điểm, khẩu trang vải….
Mọi người khi có các triệu chứng như mụn viêm kéo dài, đỏ da bất thường, ngứa râm ran, rụng lông mi… nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán sớm.
Đặc biệt, bác sĩ Thu khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng các mẹo dân gian khi chưa rõ nguyên nhân. Việc sử dụng các loại thuốc bôi không rõ thành phần đặc biệt là các sản phẩm chứa corticoid có thể khiến da mỏng yếu, bào mòn lớp bảo vệ tự nhiên và tạo điều kiện cho Demodex bùng phát mạnh hơn.
Tương tự, một số mẹo dân gian như đắp lá, dùng rượu thuốc hoặc tinh dầu không đúng cách có thể gây kích ứng, nhiễm trùng hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da.