Việc phải nộp thuế với mức doanh thu trên 200 triệu đồng/năm là phù hợp

Theo lịch trình, ngày 26/11/2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước) cho rằng, hiện có thể chấp nhận việc các hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế GTGT, song cần xem xét điều chỉnh về sau.

Việc phải nộp thuế với mức doanh thu trên 200 triệu đồng/năm là phù hợp

Việc phải nộp thuế với mức doanh thu trên 200 triệu đồng/năm là phù hợp

Trước khi Quốc hội thông qua Luật Thuế GTGT, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, mức doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm áp dụng khi được xét miễn thuế GTGT cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh vẫn còn thấp. Quan điểm của ông ra sao?

Thấp hay cao cần phải có số liệu để so sánh, có cơ sở khoa học để đánh giá, chứ không nên nhận định chủ quan, cảm tính.

Theo Dự thảo Luật thuế GTGT sẽ được Quốc hội thông qua, có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế, không được khấu trừ, không được hoàn thuế đầu vào (trừ trường hợp áp dụng mức thuế suất 0%), trong đó có hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống. Mức 200 triệu đồng là chấp nhận được, vì mức này không phải cố định, mà luật quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Đây là quy định mở, vì nếu ấn định mức cụ thể vào trong luật, thì khi cần thay đổi sẽ lại phải sửa luật. Cho dù chỉ sửa một điều, một khoản theo quy trình rút gọn cũng mất rất nhiều thời gian, vì Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 lần (trừ kỳ họp bất thường). Việc này cũng mất công sức vì phải thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng nào cũng họp; hơn nữa quy trình xây dựng nghị quyết cũng đơn giản hơn rất nhiều so với xây dựng luật. Khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì có thể nâng mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải chịu thuế GTGT cho phù hợp.

Nhưng theo tính toán, lợi nhuận mà hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thu về chỉ đạt 25-30%, có nghĩa với mức doanh thu 200 triệu đồng, lợi nhuận mang lại khoảng 50 triệu đồng/năm là thấp. Ông nghĩ thế nào?

Thuế GTGT là thuế gián thu, người tiêu dùng mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ trả, người bán hàng, cung cấp dịch vụ chỉ thu hộ và đúng ra phải nộp vào ngân sách nhà nước, nhưng Nhà nước đã để lại cho người kinh doanh nhỏ lẻ (doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm) là nhân văn.

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành cũng quy định, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn thuế.

Tôi cho rằng, khi Luật Thuế GTGT sửa đổi có hiệu lực, Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh ngưỡng phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng/năm cho đồng bộ.

Ông vẫn cho rằng, ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng trở lên là phù hợp?

Mức doanh thu có thể phù hợp với ngành này, nhưng chưa phù hợp với ngành khác; phù hợp với địa bàn này, nhưng không phù hợp với địa bàn khác, đặc biệt không phù hợp với sự điều hành kinh tế, xã hội linh hoạt của Chính phủ. Vì vậy, tối ưu nhất là giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tôi cho rằng, nếu giao quy định này cho Chính phủ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể, chi tiết ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Với những địa bàn trên thì mức này có thể tăng lên 300-400 triệu đồng, qua đó tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh giảm giá hàng hóa, dịch vụ phục vụ người dân.

Với những lĩnh vực cần khuyến khích như du lịch ven biển hoặc nhà nghỉ homestay ở trung du, miền núi cần khuyến khích phát triển thì có thể nâng lên mức 500 triệu đồng, thậm chí cao hơn nhằm khuyến khích người dân tham gia kinh doanh, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hạ giá dịch vụ, qua đó tăng sức cạnh tranh.

Hàng triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, đóng góp vào ngân sách nhà nước không nhiều, trong khi chi phí quản lý thuế rất lớn, nên việc thu thuế với đối tượng này liệu có hiệu quả, thưa ông?

Theo quy định hiện hành, thuế suất đối với hoạt động thương mại của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là 1,5% doanh thu, trong đó 1% là thuế GTGT và 0,5% là thuế thu nhập cá nhân. Thuế suất đối với hoạt động cung cấp dịch vụ là 7% doanh thu, trong đó 5% là thuế GTGT và 2% là thuế thu nhập cá nhân.

Mức thuế trên không cao, vì mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập thường xuyên thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%; thuế suất thuế GTGT phổ thông là 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%.

Mức thuế này đã được Bộ Tài chính tính toán rất kỹ để vừa bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, vừa khuyến khích mọi người tham gia kinh doanh; chi phí quản lý thuế cũng thấp hơn rất nhiều số thuế thu được cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, với việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thì chi phí quản lý thuế sẽ ngày càng giảm. Quan trọng hơn, việc thu thuế để bảo đảm nguyên tắc tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có doanh thu, có thu nhập đều có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; tạo thói quen nộp thuế của người dân khi tham gia kinh doanh, có thu nhập.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viec-phai-nop-thue-voi-muc-doanh-thu-tren-200-trieu-dongnam-la-phu-hop-d230787.html
Zalo