Video hài nhảm - hậu họa thật
Gần đây, trên mạng xã hội tràn ngập các video hài với nội dung nhảm nhí, thậm chí có phần lệch chuẩn được tạo nên bởi công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Với giao diện bắt mắt, nhân vật sống động, nội dung bắt "trend"..., nhiều video nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và phát tán nhanh chóng trên các nền tảng số. Tuy nhiên, đằng sau những đoạn phim câu view bằng nội dung phản cảm ấy là hệ lụy khó lường.

Một cảnh trong video được tạo nên bởi công cụ trí tuệ nhân tạo. Ảnh chụp màn hình
Gieo nhận thức lệch lạc
Khoảng 3 tháng nay, chị Lê Thị Hương (phường Từ Liêm) liên tục chia sẻ trên trang cá nhân của mình các video có nội dung hài như “Kêu gọi từ thiện, lấy của người ngu chia cho người giàu”, “Tâm sự của các cụ AI”, “Nghỉ hưu ăn mừng nghỉ hè”… Chị Hương cho biết: “Tôi thấy các video hài hước, diễn viên diễn hay nên chia sẻ về để thi thoảng xem mà không hề biết đây là những video do AI làm ra”.
Cũng giống như chị Hương, hằng ngày, chị Nguyễn Thị Liên (phường Hà Đông) đều dành thời gian xem các video được tạo nên bởi công nghệ AI mặc cho lời lẽ dung tục, thậm chí nội dung lệch chuẩn. “Các video ngắn nhưng có nội dung thời sự, toàn vấn đề chúng tôi quan tâm”, chị Liên nói. Còn anh Phan Văn Bình (xã Phúc Thịnh) chia sẻ: “Ban đầu tôi còn thấy hay nhưng xem nhiều thấy mô típ lặp đi lặp lại, nội dung nhảm nhí, không có chiều sâu, không mang tính giáo dục nên tôi lại thấy phản cảm”.
Không chỉ cho ra đời video vô thưởng, vô phạt, lời thoại tục tĩu, nhiều người còn sử dụng AI để tạo ra hình ảnh và nội dung bóp méo thực tế, thậm chí truyền tải thông tin sai lệch. “Tôi từng xem một video có cảnh cụ già văng tục với hiệu ứng rất thật. Kể từ đó, tôi nhận ra, việc lan truyền những nội dung như thế này rất nguy hiểm bởi nhiều người, nhất là những người thiếu kỹ năng số sẽ không biết đây là video do AI tạo ra. Các đoạn phim này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và hành vi của người tiếp nhận”, anh Lê Đình Hưng (phường Tây Hồ) nhận định.
Các công cụ tạo video bằng AI đang được cộng đồng mạng trẻ tuổi sử dụng với tần suất dày đặc là: Veo3, Hailou AI, Kling AI... Theo các chuyên gia công nghệ, đây là những công cụ mang lại nhiều lợi ích cho ngành sản xuất nội dung nhưng khi rơi vào tay những người chỉ muốn “câu like, kiếm view” bằng mọi giá, các công cụ ấy lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nội dung lệch chuẩn, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức cộng đồng. Thậm chí, nhiều nền tảng cờ bạc, cá độ trực tuyến còn sử dụng AI như công cụ để lan truyền, dàn dựng dưới hình thức bản tin truyền hình quảng cáo cho hoạt động phi pháp này.
Không những thế, các video tạo bởi AI còn vi phạm nghiêm trọng về quyền hình ảnh do khả năng tái tạo giọng nói, biểu cảm, diện mạo quá chân thực. Nhiều người dùng AI đã “vay mượn” hình ảnh cá nhân của người khác mà không xin phép, biến họ thành nhân vật chính trong những kịch bản lố bịch, phản cảm...
Nhiều hệ lụy phía sau
Những công cụ tạo video bằng công nghệ AI đang được nhiều người sử dụng có khả năng mô phỏng hình ảnh động với độ chân thực cao, hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và khung cảnh chuyển động không khác thật là mấy. Ở chiều tích cực, các công cụ này đang mở ra cơ hội chưa từng có cho hàng triệu người không chuyên trên khắp thế giới trở thành nhà làm phim độc lập mà không cần máy quay, không cần đội ngũ sản xuất, không cần hậu kỳ phức tạp, chỉ cần mô tả một ý tưởng, phần còn lại AI sẽ xử lý.
Dưới góc độ chuyên môn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tap Hospitality Vietnam Trần Thành chia sẻ: “Nội dung của các video do AI tạo ra tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng, chỉ cần hình ảnh và câu lệnh yêu cầu là sẽ ra được video như ý. Nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế cũng đang sử dụng công nghệ này để cho ra những video với mục đích giảng dạy”.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng sử dụng công nghệ AI để tự động lấy mẫu dữ liệu từ hàng triệu video trên YouTube nhằm mô phỏng lại hình ảnh, động tác hay giọng nói của một người thật. Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Đào Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Công lý toàn dân cho biết, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, ai muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải xin phép. Hành vi dùng AI tạo video giống hệt một người thật ngoài đời mà chưa xin phép người đó là đã sử dụng trái phép hình ảnh, xâm phạm quyền về hình ảnh của người khác. Hiện chưa có quy định cụ thể liên quan tới việc sử dụng AI tạo video, hình ảnh, nhưng việc dùng ảnh mặt, đặc điểm nhận dạng cá nhân khác dù không có mục đích bôi nhọ vẫn vi phạm pháp luật Việt Nam.
"Phụ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra mà người sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó, khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù”, Luật sư Đào Trung Kiên nói.
Do vậy, những người sử dụng AI để tạo video cần phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành tránh gây ra những hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, người xem cũng cần tỉnh táo, không tiếp tay cho những vi phạm, lan truyền các nội dung “tấu hài” nhảm nhí.