Vì sao start-up cần thành lập hội đồng quản trị?
Start-up thường bắt đầu với đội ngũ sáng lập nhỏ gọn, nhưng khi lớn dần lên, thì việc thành lập hội đồng quản trị là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hội đồng quản trị (board of directors - BOD) trong start-up được hiểu là một nhóm người nhận ủy thác từ cổ đông start-up, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích của cổ đông và luôn chắc chắn rằng công ty sẽ tồn tại, phát triển.
Để đạt được mục tiêu này, hội đồng quản trị của start-up cần đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, như xây dựng cấu trúc tài chính, tầm nhìn, chiến lược phát triển; tận dụng các mối quan hệ để kết nối, thuyết phục khách hàng, đối tác, nhà đầu tư; dàn xếp khi có những mâu thuẫn lớn về lợi ích tài chính giữa các đồng sáng lập, nhà đầu tư...
Ở quy mô nhỏ, hội đồng quản trị bao gồm 3 thành viên, rồi tăng dần lên 5, 7, 9 thành viên; trong đó, có một người được gọi là chủ tịch hội đồng quản trị (chairman, chair, lead directors). Trong nhiều trường hợp, vị trí này thuộc về người sáng lập nắm giữ cổ phần lớn nhất (kiêm giám đốc điều hành - CEO).
Tuy nhiên, khi start-up định hình rõ hơn qua các vòng gọi vốn, hai vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và CEO sẽ được tách biệt. Vị trí chủ tịch dành cho một thành viên đến từ quỹ đầu tư, còn nhà sáng lập làm CEO. Vai trò của chủ tịch là định hướng, hỗ trợ để CEO hoàn thành tốt công việc vận hành start-up.
Trong quá trình phát triển, việc thành lập hội đồng quản trị sẽ mang lại nhiều lợi ích cho start-up, nếu tính đến chiến lược, định hướng dài hạn. Đội ngũ sáng lập và CEO có thể rất am hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhìn nhận toàn diện và lâu dài về chiến lược phát triển doanh nghiệp. Hội đồng quản trị, với những thành viên giàu kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ đắc lực cho start-up, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn hoặc khi công ty phải đối mặt với sự thay đổi lớn về thị trường hoặc công nghệ.
Ngoài ra, start-up sẽ gia tăng cơ hội huy động vốn từ nhà đầu tư nếu có thêm hội đồng quản trị. Sự hiện diện của hội đồng quản trị, với các thành viên là những người có uy tín trong ngành hoặc các chuyên gia tài chính, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư tiềm năng. Những thành viên trong hội đồng quản trị, dựa trên kinh nghiệm và các mối quan hệ chiến lược của mình, cũng giúp start-up gọi vốn thành công.
Dù không trực tiếp tham gia điều hành, nhưng sự xuất hiện của hội đồng quản trị là nhân tố tích cực cho quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp. Với nhiều năm kinh nghiệm khởi nghiệp trước đó hoặc kinh nghiệm trong phát triển tổ chức, hội đồng quản trị hỗ trợ start-up xây dựng các quy trình quản lý, tối ưu hóa hoạt động và phát triển một cách có hệ thống hơn. Họ cũng góp phần hỗ trợ start-up định hình văn hóa tổ chức, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng và đưa ra những quyết định nhân sự quan trọng.
Một điểm đặc biệt quan trọng là, sự hiện diện của hội đồng quản trị sẽ làm giảm thiểu xung đột giữa nội bộ start-up, giúp start-up đưa ra quyết định khách quan. Vì mục đích thành lập của hội đồng quản trị là đảm bảo lợi ích chung cho các cổ đông và toàn công ty, nên những lời khuyên, đánh giá và quyết định do thành viên hội đồng đưa ra sẽ dựa trên lợi ích chung của công ty, thay vì các lợi ích cá nhân hay nhóm. Điều này giúp giảm thiểu căng thẳng và xung đột nội bộ, tạo ra một môi trường làm việc ổn định, hợp tác trong start-up.