Vì sao số ca bệnh sởi ở Đồng Nai tăng chóng mặt trong thời gian ngắn?
Đồng Nai đang là điểm nóng của cả nước về số ca mắc bệnh sởi; đã có 2 trường hợp tử vong.
Tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo trả lời chất vấn của cử tri về tình hình bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2024.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến hết ngày 9.12, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc bệnh sởi, đã có 2 trường hợp tử vong. Số ca mắc này cao gấp hàng nghìn lần so với năm 2023 (chỉ có 3 ca mắc).
Số ca mắc được ghi nhận tại 11 huyện, thành phố, trong đó các địa phương có số ca mắc cao là: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu; chiếm 86% số ca mắc toàn tỉnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm sự thiếu hụt nguồn cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin chứa thành phần phòng sởi trong giai đoạn hậu COVID-19. Đồng thời, việc thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch, cụ thể là triển khai chiến dịch tiêm chủng, cũng góp phần làm tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, công tác điều tra trẻ em cần tiêm vắc xin gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân số biến động cơ học cao, nhưng số lượng cộng tác viên y tế lại hạn chế. Điều này làm kéo dài thời gian điều tra và tăng nguy cơ bỏ sót đối tượng. Ngoài ra, việc vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả, một phần do nhiều phụ huynh không nhớ lịch tiêm chủng, mất phiếu tiêm, hoặc thiếu thông tin trên Hệ thống Quản lý tiêm chủng quốc gia, vốn chỉ được triển khai từ năm 2017.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Lê Anh Phong, bệnh viện đang điều trị nội trú cho gần 300 bệnh nhân mắc sởi.
Để đáp ứng công tác tiếp nhận, điều trị bệnh sởi, bệnh viện đã bố trí khu khám, điều trị bệnh sởi riêng tại Khoa Khám bệnh cấp cứu, Khoa Bệnh nhiệt đới và Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho những bệnh nhân điều trị các bệnh khác, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Để hạn chế sự gia tăng số ca bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Trước tiên, tiếp tục rà soát đối tượng tiêm chủng và sử dụng hiệu quả các loại vắc xin chứa thành phần phòng sởi (sởi đơn, MR, MMR). Việc tổ chức tiêm bù và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng được xem là ưu tiên hàng đầu.
Song song đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ, phụ huynh và người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Việc tăng cường điều tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý ca bệnh tản phát, cũng như xử lý triệt để các ổ dịch trong cộng đồng theo đúng quy định, là giải pháp quan trọng trong việc kiểm soát dịch.
Ngoài ra, vệ sinh môi trường, khử trùng tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non và nhà trẻ, cũng như tại các hộ gia đình trong ổ dịch và vùng dịch, cần được thực hiện nghiêm túc. Hệ thống cơ sở y tế cũng cần được kiện toàn, đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, và trang thiết bị để đáp ứng kịp thời khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt trong trường hợp cần nhập viện điều trị.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng vắc xin có thành phần phòng sởi, là yếu tố thiết yếu để nâng cao nhận thức cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.