Vì sao ông Trump có quyền áp thuế nhập khẩu?

Trước tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của một số nước như Mexico, Canada, Trung Quốc, câu hỏi nổi lên là theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội Mỹ mới có quyền ấn định thuế nhập khẩu chứ đâu phải tổng thống. Hiến pháp Mỹ trao quyền cho Quốc hội 'ấn định và thu thuế nội địa cùng các loại thuế nhập khẩu' và 'điều chỉnh thương mại với nước ngoài'.

Tuy nhiên, thực tế trong mấy chục năm qua, Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật, trao quyền cho bên hành pháp, cụ thể là tổng thống Mỹ, được tăng, giảm thuế nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt.

Bộ Tài chính đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. Ảnh minh họa: TL

Bộ Tài chính đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. Ảnh minh họa: TL

Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico và Canada không phải do tranh chấp thương mại mà để gây áp lực lên hai nước này, buộc họ phải ngăn chặn dòng nhập cư trái phép cũng như dòng buôn lậu ma túy từ nước họ vào Mỹ. Lý do ông Trump đòi áp thuế bổ sung 10% lên hàng Trung Quốc cũng nhằm buộc nước này có biện pháp ngăn chặn việc buôn lậu tiền chất fentanyl vào nước Mỹ.

Vì thế, ông Trump sẽ viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) vì đạo luật này cho phép tổng thống Mỹ ấn định thuế nhập khẩu không bị hạn chế “để đối phó với mối đe dọa bất thường nào… nếu tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến mối đe dọa như thế”. Warren Maruyama, từng là luật sư chính cho Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng IEEPA có những đặc điểm rất hấp dẫn đối với ông Trump, cứ lấy quyền hạn khẩn cấp để miễn trừ mọi yêu cầu về thủ tục tối thiểu. Ông Trump từng viện dẫn luật này lần đầu tiên vào năm 2019 khi ông đe dọa đánh thuế 5% lên hàng Mexico để chặn dòng nhập cư bất hợp pháp.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump viện dẫn mục 301, Đạo luật Thương mại năm 1974 để áp thuế lên 370 tỉ đô la hàng hóa từ Trung Quốc và 7,5 tỉ đô la từ Liên minh châu Âu (EU). Áp dụng đạo luật này thì phải tiến hành điều tra và tuân thủ thời gian nhận góp ý nên khó áp dụng cho Mexico hay Canada ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức như ông đe dọa. Ngoài ra, với Mexico và Canada, Mỹ còn có Hiệp định thương mại tự do USMCA do chính ông Trump thương lượng ký trong nhiệm kỳ đầu; hiệp định có cơ chế giải quyết tranh chấp mà chắc chắn Canada và Mexico sẽ viện dẫn. Ở đây IEEPA cũng có điều khoản miễn trừ do an ninh quốc gia để Mỹ sử dụng và nói họ không vi phạm USMCA khi áp dụng điều khoản tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh thắc mắc về thẩm quyền đánh thuế nhập khẩu của tổng thống Mỹ, nhiều người cũng tự hỏi vì sao các nước bị áp thuế không kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hầu hết các nước từng bị ông Trump áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên hay đe dọa áp thuế trong nhiệm kỳ sắp tới đều là thành viên WTO, đều hưởng quy chế tối huệ quốc. Nếu nước Mỹ đơn phương áp đặt một mức thuế cao hơn nhiều lần cho riêng những nước này, đây rõ ràng là một sự vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc của WTO. Các nước bị ảnh hưởng hoàn toàn có quyền kiện lên WTO để được can thiệp.

Rất đáng tiếc, cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO hiện đã bị vô hiệu hóa. Một trong những khâu giải quyết tranh chấp là nước bị kiện và chịu phán quyết của WTO có quyền khiếu nại ra cơ quan phúc thẩm; chưa qua phúc thẩm thì chưa bắt nước đó tuân thủ được. Thế nhưng từ lâu Mỹ đã ngăn cản không cho bổ nhiệm thẩm phán mới vào cơ quan phúc thẩm này, gồm bảy thẩm phán, nhiệm kỳ bốn năm.

Vậy nên từ năm 2019 đến nay, cơ quan phúc thẩm không có thẩm phán để xử phúc thẩm, coi như tắt đường xét xử tranh chấp. Giả sử Canada kiện Mỹ ra tòa, nói là áp thuế nhập khẩu cao, tức phân biệt đối xử, WTO phán xét Mỹ sai, phải ngưng áp thuế cao nhưng Mỹ xin phúc thẩm để tranh luận lại và đơn xin phúc thẩm kẹt cứng ở cơ quan phúc thẩm vì không có người thụ lý - xem như Mỹ khỏi tuân thủ phán quyết của WTO.

Đòn phép vô hiệu hóa cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO như thế được mệnh danh là “phúc thẩm vào chốn hư vô” và hiện nay Mỹ chiếm tỷ lệ phúc thẩm kiểu này nhiều nhất, đến 38%. Nhiều nước khác cũng theo chân Mỹ, sử dụng cách phúc thẩm “vào chốn hư vô” này như Indonesia áp dụng để duy trì lệnh cấm xuất khẩu nickel.

Năm 2022, EU đã kiện lệnh cấm của Indonesia ra WTO thành công; hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO ra lệnh cho Indonesia phải dỡ bỏ lệnh cấm nhưng Indonesia nộp đơn xin phúc thẩm và cứ duy trì lệnh cấm trong khi chờ… phúc thẩm.

Hiện nay đến hai phần ba phán quyết của WTO bị rơi vào tình trạng mải miết chờ phúc thẩm; đó là chưa kể, các nước nản, không còn kiện ra WTO nữa - số đơn kiện đã giảm còn một phần ba so với thời kỳ trước khi cơ quan phúc thẩm bị vô hiệu hóa.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-ong-trump-co-quyen-ap-thue-nhap-khau/
Zalo