Vì sao Mỹ bị bỏ lại phía sau trong chiến thông tin?

Cuộc chiến tuyên truyền quốc gia, một loại hình tương tự như truyền thông trong thương mại, không chỉ có ảnh hưởng về hình ảnh mà có thể định hình và củng cố những chính sách về địa chính trị, chẳng hạn như tính chính danh của các cuộc chiến tại Gaza, hay Ukraine.

“Nói sự thật” chưa chắc tạo ảnh hưởng

Một số chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực chiến tranh tâm lý, bao gồm các quan chức chủ chốt từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, đã tụ họp trong một căn phòng nhỏ tại Trung tâm Hội nghị Tampa vào đầu tháng 5 để thảo luận. Với chủ đề: Cách Mỹ định vị để ảnh hưởng đến nhận thức toàn cầu, đặc biệt là xung quanh các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng. Và Hội nghị kết luận: Mỹ đang làm rất tệ, đặc biệt so với Trung Quốc và Nga.

James Holly, người đứng đầu Văn phòng Quản lý Ảnh hưởng và Nhận thức (mới thành lập của Bộ Quốc phòng), cho rằng đúng là lĩnh vực này nước Mỹ khá yếu kém. Daniel Kimmidge, phó Điều phối viên Trung tâm Tham gia Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đồng tình: “Nước Mỹ phải đặt ưu tiên cao hơn cho lĩnh vực này, nếu chúng ta muốn cạnh tranh trong môi trường thông tin từ sự hợp lực của Trung Quốc và Nga”.

Vậy điều gì khiến Mỹ bị bỏ lại phía sau? Chủ yếu do truyền thống của Mỹ là tôn trọng “tự do tư tưởng”. Vì vậy, ý tưởng về việc Chính phủ Mỹ cố gắng “ảnh hưởng” đến nhận thức của công luận thông qua tuyên truyền, dường như đi ngược lại sự tôn trọng tự do này. Và điều này đã đặt Mỹ vào tình thế bất lợi.

Thế giới hiện nay tiếp cận và tiếp thu trong một môi trường tràn ngập các dòng thông tin kỹ thuật số cá nhân, “thật mà giả, giả mà thật”, thay vì các chương trình phát sóng quốc gia có uy tín. Chính vì vậy các đối thủ đang lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận hàng tỷ người trên khắp thế giới, với các thông điệp được điều chỉnh tới từng cá nhân.

“Với mạng xã hội, mọi thứ đã trở thành thực tế chủ quan. Vì vậy, những gì mỗi người chúng ta nhìn nhận như là thực tế, thật ra đã được tùy chỉnh cho phù hợp với mỗi cá nhân chúng ta. Đây là một vấn đề lớn, vì nó làm suy yếu các bản sắc quốc gia” - Jason Schenker, chủ tịch của Viện Tương lai học, phát biểu.

Và chính điều này làm cho các quan chức Mỹ khó khăn hơn trong việc chống lại thông tin sai lệch tại quê nhà. Năm 2022, chính quyền Biden đã thành lập Hội đồng Quản lý Thông tin Sai lệch, nhưng đã đình chỉ nó chỉ 3 tuần sau đó, do các mối đe dọa từ cánh hữu đối với các thành viên của nó.

Hậu quả của việc mất ảnh hưởng

Vậy hậu quả của việc thua cuộc trong cạnh tranh ảnh hưởng trên trường quốc tế là gì? Tại Niger, các chiến dịch ảnh hưởng của Nga đã giúp thành lập một chính phủ mới thù địch với Mỹ. Điều tương tự đã xảy ra ở Slovakia vào tháng 9 năm ngoái.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết: “Hai ngày trước cuộc bầu cử quốc hội ở Slovakia, một bản ghi âm giả đã được tung ra trên mạng, trong đó một ứng cử viên thảo luận cách gian lận cuộc bầu cử sắp tới với một nhà báo. Bản ghi âm nhanh chóng được chứng minh là giả, với dấu hiệu của sự thao túng AI. Nhưng theo Luật Slovakia, có lệnh cấm vận động và bình luận truyền thông về cuộc bầu cử trong 48 giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa. Vì bản ghi âm giả được tung ra trong khung thời gian đó, các tổ chức tin tức và chính phủ gặp khó khăn trong việc lật tẩy sự thao túng. Và nạn nhân của bản ghi âm giả đã thua trong một cuộc bầu cử rất sít sao”.

Các chuyên gia cho rằng, các hoạt động thông tin có thể định hình chiến trường và đảm bảo chiến thắng, trước khi chiếc máy bay đầu tiên rời khỏi đường băng. Những bước đi gần đây mà chính phủ Mỹ đang thực hiện, có thể giúp họ hiểu rõ hơn về lợi thế của đối thủ trong các hoạt động thông tin, bao gồm việc thành lập Văn phòng Quản lý Nhận thức vào tháng 3-2023.

Một bước đi khác là hợp đồng trị giá gần 1 tỷ đô la trong vòng 5 năm, được ký vào năm 2021 với Peraton “để đạt được lợi thế hoạt động trong không gian thông tin và đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ”. Mục tiêu chính của hợp đồng này, là phát triển các cách để đánh giá cách Trung Quốc và Nga tiến hành chiến tranh, làm ảnh hưởng và định hình nhận thức chống lại Mỹ. Nhưng theo tờ Defense One, con số này chỉ là một phần nhỏ so với hàng tỷ USD mà Trung Quốc và Nga chi cho các hoạt động ảnh hưởng.

Một quan chức của Peraton nói rằng, Nga, Trung Quốc và Iran ngày càng phối hợp các nỗ lực chiến tranh thông tin của họ. Điều này bắt đầu trong đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc, Nga và các tác nhân khác tham gia vào một chiến dịch phối hợp lỏng lẻo để đổ lỗi virus cho quân đội Mỹ. Ngày nay, họ tham gia vào sự phối hợp " mang tính cơ hội" về các vấn đề nóng, như các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Trong một khoảng thời gian ngắn, thường là trong cùng một ngày, các chủ đề tương tự được khuếch đại, các chủ đề tương tự được đưa ra. Một trong những mục tiêu lớn của Peraton hiện nay theo hợp đồng, là phát triển các kỹ thuật để tiết lộ cách các đối thủ đang sử dụng các công cụ AI tiên tiến, như mô hình ngôn ngữ lớn để tăng cường các hoạt động của họ thông qua tạo nội dung.

Vậy nhưng, ở nhiều lĩnh vực khác Chính phủ Mỹ còn giảm các hoạt động ảnh hưởng của mình. Ví dụ, Quân đội Mỹ đang xem xét cắt giảm 10% khả năng chiến tranh thông tin của mình. Song theo một cựu quan chức quốc phòng đề xuất, sẽ hữu ích nếu kết hợp các hoạt động công vụ, tình báo, chiến tranh tâm lý, và chuyển chúng từ hoạt động đặc biệt sang văn phòng của Thứ trưởng Quốc phòng về tình báo.

Holly từ Văn phòng Quản lý ảnh hưởng và Nhận thức nói thêm, ngoài việc cần thêm tiền, chiến tranh ảnh hưởng cần được tập trung và có một lãnh đạo có đủ thẩm quyền để được coi trọng, không chỉ bởi Bộ Quốc phòng mà còn bởi Nhà Trắng.

Thế giới hiện nay tiếp cận và tiếp thu trong một môi trường tràn ngập các dòng thông tin kỹ thuật số cá nhân, “thật mà giả, giả mà thật”, thay vì các chương trình phát sóng quốc gia có uy tín. Chính vì vậy các đối thủ đang lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận hàng tỷ người trên khắp thế giới.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-my-bi-bo-lai-phia-sau-trong-chien-thong-tin-post114629.html
Zalo