Vì sao mưa lớn cục bộ và ngập úng đô thị xảy ra ngày càng nhiều?

Mưa cường suất cao xuất hiện ngày càng nhiều. Những trận mưa này thường gây ra các hiện tượng thiên tai thứ cấp nghiêm trọng như lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và sản xuất.

Hai nguyên nhân chính khiến mưa lớn ngày càng cực đoan

Những ngày vừa qua, ở các tỉnh miền Bắc có mưa lớn liên tiếp, có nơi lượng mưa lên trên 100mm như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ... Mưa lớn đã khiến TP Thái Nguyên xuất hiện ngập lụt diện rộng. Đáng chú ý, trước đó, từ ngày 20-21/6, nhiều khu vực ở Thái Nguyên cũng đã bị ngập, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Từ đêm 29/6 đến sáng 30/6, TP Thái Nguyên hứng trận mưa xối xả từ đêm qua khiến nhiều tuyến phố trung tâm ngập sâu, giao thông tê liệt, nước tràn cả vào nhà người dân. Nước dâng cao quá nửa xe ô tô, tràn vào nhà người dân khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Dự báo trong những giờ tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hứng mưa lớn.

Mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn gây gập lụt ở nhiều địa phương.

Mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn gây gập lụt ở nhiều địa phương.

Lý giải tình trạng ngập lụt ở Thái Nguyên và mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ và có xu hướng hoạt động mạnh lên trong những ngày tới. Ngoài ra, trên rãnh thấp này có một vùng xoáy thấp nằm ở khu vực Bắc Bộ, hoạt động ở độ cao từ 3.000-5.000m. Vùng xoáy thấp cùng với tác động của rãnh thấp tạo ra một lượng ẩm lớn ở khu vực Bắc Bộ, gây ra mưa rất lớn cho khu vực này trong thời gian tới. "Chúng tôi nhận định tổng lượng mưa lên tới 500mm không phải là kỷ lục trong thời gian tới", ông Hưởng nói.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những năm gần đây, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất rất cao xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp cả nước, bao gồm cả khu vực miền núi và đồng bằng. Những trận mưa này thường gây ra các hiện tượng thiên tai thứ cấp nghiêm trọng như lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và sản xuất.

Ông Khiêm cho biết, có hai nguyên nhân chính lý giải xu thế gia tăng mưa lớn cường độ cao ở Việt Nam: Thứ nhất là nguyên nhân khách quan, do tác động của hiện tượng ENSO và biến đổi khí hậu toàn cầu. Những yếu tố này làm thời tiết trở nên bất thường và cực đoan hơn, dẫn đến các đợt mưa rất lớn xảy ra bất ngờ, trong thời gian ngắn nhưng với cường độ mạnh. Điều này khiến công tác dự báo và ứng phó trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thứ hai là nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn. Việc thay đổi điều kiện bề mặt và cấu trúc địa hình do bê tông hóa, san lấp mặt bằng đã tạo điều kiện hình thành và phát triển mạnh các ổ mây đối lưu. Kết quả là mưa lớn cục bộ và ngập úng đô thị xảy ra thường xuyên hơn.

Mưa lớn không còn giới hạn trong mùa mưa

Theo ông Mai Văn Khiêm, sau hai tháng mùa hè mưa nhiều (tháng 5 và tháng 6), từ tháng 7 đến tháng 9/2025, các đợt mưa vừa và mưa to vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện tại nhiều khu vực như Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ông Khiêm cảnh báo: "Cần đề phòng các trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, gây nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất ở miền núi".

Sang giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2025, trọng tâm mưa lớn sẽ chuyển dần về khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tháng 10 và 11 – thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão. Lượng mưa tại Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn này được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 10–25%, làm gia tăng nguy cơ ngập úng và lũ lụt tại các vùng trũng thấp, đô thị ven biển và khu vực đã có nền đất yếu.

Một điểm đáng chú ý, theo ông Khiêm, là mưa lớn cục bộ với cường suất cao không còn xuất hiện giới hạn trong mùa mưa, mà đang có xu hướng xảy ra ngay cả trong mùa khô hoặc giai đoạn chuyển mùa. Điều này đòi hỏi sự chủ động và cảnh giác thường xuyên từ cả người dân và chính quyền địa phương.

Ông Khiêm nhấn mạnh: "Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người dân, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở khu vực miền núi, đô thị và vùng trũng thấp, cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn và thời tiết nguy hiểm từ cơ quan khí tượng thủy văn".

Bên cạnh việc cập nhật thông tin, theo ông Khiêm, điều quan trọng là mỗi địa phương, đơn vị cần xây dựng phương án phòng tránh phù hợp với điều kiện thực tế: Miền núi cần lên kế hoạch sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét. Đô thị cần kiểm tra, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt ở các khu vực thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Vùng trũng thấp, ven sông, ven biển nên dự trữ vật tư, thiết bị, đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Hiện tượng mưa lớn cục bộ, cực đoan đang trở thành một thách thức thường trực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Việc theo dõi sát tình hình thời tiết, nâng cao năng lực dự báo, đồng thời triển khai các giải pháp thích ứng theo từng vùng là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-mua-lon-cuc-bo-va-ngap-ung-do-thi-xay-ra-ngay-cang-nhieu-169250702153209959.htm
Zalo