Vì sao không nên vùi điện thoại vào gạo sau khi bị rơi xuống nước?

Khi điện thoại rơi vào nước, nhiều người thường truyền tai nhau rằng 'Thả vào thùng gạo thì điện thoại sẽ nhanh khô hơn', vậy phương pháp này có hiệu quả không?

Dù có cẩn thận đến đâu, đôi lúc chúng ta vẫn khiến điện thoại thông minh bị ướt do vô tình đánh rơi xuống nước. Lúc này, theo phản xạ thông thường, nhiều người dùng sẽ nghĩ ngay đến việc cho thiết bị vào gạo để hút ẩm.

Việc làm này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, vì từ lâu, các bài hướng dẫn trên mạng Internet luôn "bày kế" cho người dùng thực hiện đầu tiên khi điện thoại hay các thiết bị điện tử bị dính nước. Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn sai lầm và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thiết bị.

Dừng ngay việc bỏ điện thoại bị dính nước vào gạo. (Ảnh minh họa)

Dừng ngay việc bỏ điện thoại bị dính nước vào gạo. (Ảnh minh họa)

Không nên vùi điện thoại vào gạo sau khi bị rơi xuống nước

Mặc dù gạo được biết đến với khả năng hút ẩm tốt, nhưng việc sử dụng chúng để cấp cứu cho điện thoại bị vào nước thực chất là một lời khuyên không chính xác.

Theo Apple, sau khi để rơi điện thoại vào nước, bạn không nên sử dụng các nguồn nhiệt bên ngoài tác động vào hay để vào các “vật thể lạ” để làm khô thiết bị. Bởi lẽ khi làm như vậy, họ có thể sẽ làm thiết bị dễ bị hư hỏng.

Cụ thể, việc bỏ chiếc điện thoại vào thùng gạo, sẽ có những hạt gạo nhỏ bị vỡ, vụn chui vào các cổng kết nối như cổng sạc, jack 3,5mm,… thậm chí có những mảnh vụn rất nhỏ có thể lọt vào khe loa. Và khi gặp môi trường ẩm cao, những mảnh gạo vụn đó sẽ phình to ra và kẹt luôn ở bên trong thiết bị. Lúc đó, chiếc điện thoại của bạn không chỉ bị dính nước mà còn có vật thể lạ kẹt bên trong. Việc xử lý sẽ cực kỳ, bạn chỉ còn cách mang ra các các cơ sở sửa chữa để khắc phục.

Do đó, bạn không nên để điện thoại vừa rơi xuống nước vào thùng gạo. Sau khi lau sạch và tháo khay SIM của thiết bị, bạn nên để nó ở một nơi khô ráo thoáng mát. Nếu bạn muốn đẩy nhanh quá trình làm khô thiết bị, hãy đặt chiếc điện thoại trước quạt. Sau khi để điện thoại khô ráo trong khoảng từ 24-48 giờ, bạn có thể bật nguồn lên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không một phương thức nào có thể đảm bảo chiếc điện thoại của bạn sẽ hoạt động bình thường sau khi ráo nước. Sau khi bật nguồn lên, nếu bạn thấy chiếc điện thoại của bạn gặp lỗi thì tốt nhất, bạn nên mang điện thoại đến một nơi sửa chữa uy tín, để càng lâu thì chiếc điện thoại của bạn sẽ càng có tỷ lệ hỏng hóc cao hơn.

Cách cứu điện thoại bị ướt một cách hiệu quả

Chìa khóa để cứu một chiếc điện thoại bị ướt không nhất thiết là chỉ đợi nó khô. Thay vào đó, cách hiệu quả nhất là hãy loại bỏ nước càng nhanh càng tốt.

Nếu điện thoại bị ngập trong nước, bước đầu tiên là ngay lập tức tắt nguồn. Đừng cố bật nguồn nếu nước đã vào điện thoại. Sau đó, người dùng nên loại bỏ bất cứ thứ gì có thể loại bỏ được, bao gồm vỏ máy, khay thẻ SIM, khay thẻ nhớ microSD và pin (nếu là loại có thể tháo rời).

Tiếp theo, người dùng có thể đi theo con đường cơ bản là sử dụng quạt hoặc bình xịt khí nén để thổi nước ra khỏi các cổng. Tuy nhiên, điều đó sẽ không tác động gì đến nước đã lọt vào bên trong điện thoại. Để loại bỏ nước, người dùng cần mở máy ra, từ đó có thể chà máy bằng cồn isopropyl 90% hoặc đặt nó trước quạt.

Ngọc Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-khong-nen-vui-dien-thoai-vao-gao-sau-khi-bi-roi-xuong-nuoc-ar880198.html
Zalo