Vì sao không dùng máy bay trực thăng cứu hộ nạn nhân trong vụ đắm tàu du lịch?
Khu vực tàu chìm hoàn toàn không có bãi đáp hoặc địa điểm phù hợp cho trực thăng hoạt động. Việc đưa trực thăng vào hiện trường trong điều kiện thời tiết xấu tiềm ẩn thêm rủi ro...
Chiều nay (20/7), tại Hội nghị thông tin báo chí về vụ đắm tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải đáp thắc mắc về một số vấn đề liên quan.
Sử dụng trực thăng để cứu hộ không mang lại hiệu quả tối ưu
Trước câu hỏi, vì sao không sử dụng máy bay trực thăng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Đại diện UBND tỉnh cho biết, sau khi phân tích tình hình thực tế, phương án sử dụng trực thăng được loại trừ bởi không mang lại hiệu quả cứu hộ tối ưu.

Ông Nguyễn Văn Công - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ.
Cụ thể, hiện trường vụ tai nạn chỉ cách đất liền khoảng 15 đến 20 phút di chuyển bằng đường thủy, thời gian tiếp cận ngắn và thuận lợi cho lực lượng cứu hộ bằng tàu thuyền.
Ngoài ra, khu vực tàu chìm hoàn toàn không có bãi đáp hoặc địa điểm phù hợp cho trực thăng hoạt động. Việc đưa trực thăng vào hiện trường trong điều kiện thời tiết xấu tiềm ẩn thêm rủi ro, có thể phát sinh tình huống nguy hiểm không lường trước. Do đó, tỉnh quyết định tập trung nguồn lực cứu hộ bằng phương tiện đường biển.
Huy động 1000 người, 100 phương tiện tham gia tìm kiếm nạn nhân
Cũng tại Hội nghị thông tin báo chí, Đaịi tá Hoàng Văn Thuyết - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu triển khai các phương án.
Đến tối 19/7, các cơ quan đã huy động 1.000 người, trên 100 phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn. Trong đó động viên, vận động hơn 500 ngư dân thông thạo các luồng lạch tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân, trục vớt tàu bị nạn.

Nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại Hội nghị báo chí về vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long.
"Hiện nay, Sở chỉ huy tiếp tục chỉ đạo lực lượng tìm kiếm, tranh thủ giờ vàng tìm kiếm các nạn nhân. Theo dự báo, cơn bão số 3 (bão Wipha) đã vào Biển Đông, nếu bão vào thì buộc phải dừng công tác tìm kiếm. Từ giờ tới tối nay, lực lượng chức năng tiếp tục tích cực triển khai các phương án hy vọng tìm kiếm được những nạn nhân còn mất tích", Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh nói.
Công an Quảng Ninh nói về khả năng khởi tố vụ án
Tại buổi họp báo, Thượng tá Cù Quốc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện mới có kết quả điều tra ban đầu. Để có kết luận, cơ quan chức năng cần khám nghiệm hiện trường, tử thi, phương tiện, lấy lời khai nhân chứng, xác minh và điều tra tất cả các nội dung liên quan.

Thượng tá Cù Quốc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh.
"Chúng tôi cần thêm thời gian để tiếp tục điều tra sâu thì mới có báo cáo đầy đủ và có thể trả lời về vấn đề này. Từ chiều đến đêm qua và sáng nay, toàn bộ các lực lượng chức năng đều tập trung vào công tác cứu hộ cứu nạn…
Nếu có dấu hiệu thì sẽ xử lý theo quy đinh. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật, vi phạm đâu sẽ xử lý đến đấy"- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Tàu Vịnh Xanh đạt tiêu chuẩn về hệ số an toàn và ổn định
Liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật đối với các tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, cho biết tại Nghị quyết 4088 của UBND tỉnh đã có quy định về các nội dung này, đảm bảo an toàn cao hơn quy phạm của đăng kiểm. Quyết định 43 của UBND tỉnh về quản lý tàu du lịch cũng khuyến khích 15 tiêu chí về an toàn và chất lượng của tàu du lịch, cao hơn quy chuẩn quốc gia.

Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 sau khi được trục vớt thành công rạng sáng nay 20/7.
Hiện, 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn đảm bảo cao hơn tiêu chuẩn quy định. Đơn cử, tàu Vịnh Xanh đạt tiêu chuẩn về hệ số an toàn và ổn định là 2,3 (trong khi tiêu chuẩn của đăng kiểm là hơn 1).
Về vấn đề du khách có bắt buộc mặc áo phao hay không, theo ông Bùi Hồng Minh, quy định hiện hành, chỉ có hành khách trên phương tiện vận chuyển khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao trong suốt hành trình. Còn đối với các phương tiện thông thường khác, chỉ phải mặc áo phao khi có nguy cơ mất an toàn, theo hướng dẫn của thuyền trưởng.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh.
"Trong vụ tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58, có đến gần 90% nạn nhân khi được tìm thấy đều có mặc áo phao. Tức là trước đó thuyền trưởng đã có cảnh báo với các hành khách về việc mặc áo phao, sẵn sàng ứng phó với sự cố" - ông Minh khẳng định.
Cũng theo ông Bùi Hồng Minh, việc cấp phép cho phương tiện hoạt động trên biển được thực hiện theo quy định. Trong trường hợp này, các điều kiện cần đảm bảo bao gồm an toàn về kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; chứng chỉ và các điều kiện cần đạt đối với thuyền viên; và các điều kiện về thời tiết.

Các lực lượng chức năng tiến hành trục vớt tàu du lịch Vịnh Xanh 58.
"Hôm qua 19/7, bản tin dự báo thời tiết được cập nhật lúc 6h30 và lúc 10h thì đều thông báo vịnh Hạ Long có gió giật cấp 2, cấp 3, không có cảnh báo gì thêm. Đến 13h30, bản tin bổ sung cảnh báo có dông lốc, trong khi đó tàu xuất bến vào lúc 12h45.
Ngay sau khi nhận được thông tin về dông lốc trong bản tin bổ sung, cảng vụ đã thông báo dừng cấp phép toàn bộ các phương tiện tàu du lịch, đồng thời thông tin trên nhóm có các chủ tàu để các chủ tàu chủ động với các tình huống xấu"- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh nói.
Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, vào chiều ngày 19/7, khi tàu du lịch Vịnh Xanh 58, BKS QN-7105, chở 49 người (gồm 46 du khách và 3 thuyền viên), rời cảng từ 12h55, tham quan các điểm nổi tiếng trên tuyến 2 vịnh Hạ Long.
Tàu do ông Đ.V.T. (trú tại phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh) làm chủ. Đến khoảng 13h30, cùng ngày, tàu gặp dông lốc bất ngờ và đến 14h05 tàu hoàn toàn mất tín hiệu GPS.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng tìm thấy 45 trong tổng số 49 người trên tàu; trong đó 35 người thiệt mạng và 10 người sống sót. Hiện còn 4 người mất tích.