Vì sao khó khống chế dịch tả lợn châu Phi?

Tỉnh Bắc Kạn là địa phương có số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lên đến hơn 500 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 6 năm 2024, thiệt hại trên 25 tỷ đồng. Việc phòng, chống dịch mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành nhưng chưa thực quyết liệt, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại xã Trần Phú, huyện Na Rì.

Chưa quyết liệt thực hiện

Trong 6 tháng qua, diễn biến dịch tả lợn châu Phi hết sức phức tạp, tổng đàn lợn của toàn tỉnh Bắc Kạn giảm rõ rệt, từ 418.000 con (cuối năm 2023) xuống còn 181.000 con (đến tháng 6 năm 2024) do chết, tiêu hủy, tiêu thụ, một số nơi đã không còn lợn, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người nông dân.

Mặc dù ngay từ đầu năm, hệ thống văn bản, kế hoạch về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ tỉnh đến huyện đã được triển khai sớm thế nhưng việc ngăn ngừa dịch bệnh lại chưa đạt kết quả như đề ra. Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, còn để dịch bùng phát tự do, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh giữa các cấp, ngành, cơ sở.

Xã Khang Ninh, huyện Ba Bể là địa phương thiệt hại hơn 95% tổng đàn lợn. (trong ảnh: Một hộ dân xã Khang Ninh tự xử lý lợn ốm tại nhà).

Tình trạng vận chuyển công khai, mua bán lợn tại các vùng đã công bố dịch vẫn diễn ra ngang nhiên, chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nhiều hộ có lợn nuôi tâm lý lo lợn chết, thiệt hại về kinh tế nên tranh thủ bán lợn với giá rẻ để giải phóng lợn, thu hồi vốn. Các hộ chăn nuôi chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn, chưa tuân thủ việc khai báo theo quy định mà tự xử lý dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Cán bộ chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở thiếu, khi dịch bệnh bùng phát, không có người thường xuyên đi kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát dịch bệnh tại cơ sở; chưa có chính sách, chế độ hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống, dập dịch tại cơ sở kịp thời...

Tại Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới, lực lượng chức năng tỉnh đã có sự phối hợp nhưng chưa thường xuyên, liên tục, từ đầu năm đến nay mới xử lý được 04 vụ xử phạt hành chính hơn 18 triệu đồng với các lỗi vi phạm: Trốn tránh qua trạm, chốt kiểm dịch không dừng; không có giấy kiểm dịch; giết mổ, lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng dịch.

Cần mỗi địa phương là một “pháo đài” phòng, chống dịch

Trước diễn biến dịch phức tạp, trong tháng 6/2024, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp, phòng chống dịch tả châu Phi, kết nối trực tuyến từ tỉnh đến xã, phường với sự tham gia của các các thành viên liên quan.

Tiếp đó, ngày 25/6, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục họp chủ trì bàn về các giải pháp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi để thăm nắm những khó khăn, vướng mắc, xin ý kiến các cấp, ngành, địa phương về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Theo đó, một số địa phương đã nghiêm túc nhận khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch động vật, để dịch lây lan nhanh. Đồng thời, hiến kế một số các giải pháp khống chế dịch, cụ thể như: Huyện Ba Bể yêu cầu các xã mua bán lợn phải tìm địa điểm, vị trí để tập trung thu mua. Huyện huyện Bạch Thông chỉ đạo các xã tăng cường phát sóng trên loa truyền thanh về tác hại của dịch bệnh động vật, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi…

Quan điểm của tỉnh là bảo vệ đàn vật nuôi hiện có, không để dịch tiếp tục lây lan, vì vậy mỗi huyện, xã, phường, trấn, thôn xóm phải là một "pháo đài" chống dịch, kích hoạt mạnh hơn nữa các giải pháp khoanh vùng, dập dịch tại địa phương. Tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi để DTLCP không tái phát, sớm đầy lùi dịch bệnh để tái sản xuất./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/vi-sao-kho-khong-che-dich-ta-lon-chau-phi-post64415.html
Zalo