Vì sao cần tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN?

Hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mang lại nhiều lợi ích.

Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng

Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng

Điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển

Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án một cách toàn diện, chặt chẽ, đúng quy định. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 31/2016/QH14, Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này.

Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Lợi ích khi phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam

Phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng:

(1) Đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng.

(2) Đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường”.

(3) Chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác.

(4) Phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Do đó, việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.

Như vậy, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Các ĐBQH tham dự Phiên họp

Các ĐBQH tham dự Phiên họp

Thống nhất tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình số 811/TTr-CP.

Về chuẩn bị điều kiện triển khai dự án, trên cơ sở Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã triển khai một số nội dung quan trọng như: Tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án; Đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành.

Sau khi dừng thực hiện Dự án theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, các địa điểm xây dựng Dự án vẫn đang được quản lý tốt.

Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội ban hành năm 2008. Hiện tại, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã đề cập tới chính sách phát triển điện hạt nhân.

Về đề xuất, kiến nghị, đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội:Xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP và đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đối với Chính phủ: Ủy ban KH,CN&MTđề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nâng cao năng lực trong nước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân.

Thực hiện tuyên truyền, thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.

Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành.

Trước đó, ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trước mắt tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vi-sao-can-tiep-tuc-chu-truong-dau-tu-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-119241128083544551.htm
Zalo