Vì sao 135.000 hộ kinh doanh Lâm Đồng ngại lên doanh nghiệp?

Số lượng hộ kinh doanh tại Lâm Đồng rất lớn và cần có những cú huých để thành phần này mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Ngại lên doanh nghiệp vì... phức tạp

Hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu chưa đầy đủ, toàn tỉnh Lâm Đồng có 135.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, khu vực Đắk Nông cũ 25.000 hộ, Lâm Đồng cũ 84.000 hộ và Bình Thuận cũ 26.000 hộ.

Tỉnh Lâm Đồng có 135.000 hộ kinh doanh cá thể tại 124 xã, phường và đặc khu kinh tế

Tỉnh Lâm Đồng có 135.000 hộ kinh doanh cá thể tại 124 xã, phường và đặc khu kinh tế

Nghị quyết 68-NQ/TW của bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Có 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 25.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 35.000 doanh nghiệp. Trong đó, có trên 10% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp phát triển mạnh, có tiềm lực. Các doanh nghiệp sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 25.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 35.000 doanh nghiệp

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 25.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 35.000 doanh nghiệp

Quá trình phát triển doanh nghiệp hiện nay được xác định có 3 nguồn cơ bản, gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển quy mô lớn hơn và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Thực tế, doanh nghiệp khởi sự mới có tỷ lệ thành công không cao nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng. Số doanh nghiệp hiện có phát triển thêm công ty mới, tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng nhưng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng.

Số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh những năm qua tại Lâm Đồng là không nhiều

Số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh những năm qua tại Lâm Đồng là không nhiều

Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là giải pháp vừa có thể nâng cao số doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử như tại tỉnh Đắk Nông cũ, trong tổng số 25.000 hộ cá thể hoạt động kinh doanh hiện nay, có khoảng 10.000 hộ nằm trong diện quản lý thuế. Mỗi năm, đối tượng này đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương.

Trong số này, có trên 20% hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Tiềm năng là vậy, nhưng số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh những năm qua là không nhiều.

Ngại thuê kế toán làm sổ sách, con dấu, kê khai nhiều loại thuế liên quan nên các hộ kinh doanh không muốn phát triển lên doanh nghiệp

Ngại thuê kế toán làm sổ sách, con dấu, kê khai nhiều loại thuế liên quan nên các hộ kinh doanh không muốn phát triển lên doanh nghiệp

Cửa hàng điện máy Lê Thuận, ở xã Kiến Đức đi vào hoạt động nhiều năm, việc kinh doanh khá ổn định. Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng chuyển đổi lên doanh nghiệp, đại diện chủ cửa hàng không mặn mà.

Nguyên nhân mà cơ sở đưa ra có nhiều, nhưng trước hết là vì quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu dựa vào nhân lực trong gia đình. “Nếu cố gắng lên doanh nghiệp sẽ vướng vào nhiều yêu cầu mang tính bắt buộc như: sổ sách kế toán, mô hình tổ chức… Cách quản lý, mức chịu thuế sẽ phức tạp hơn nhiều”, anh Lê Văn Thuận, chủ cửa hàng chia sẻ.

Cán bộ Chi cục thuế Khu vực XIV hỗ trợ hộ kinh doanh xã Kiến Đức các chính sách thuế liên quan

Cán bộ Chi cục thuế Khu vực XIV hỗ trợ hộ kinh doanh xã Kiến Đức các chính sách thuế liên quan

Một trong những cơ sở có doanh thu lớn, nhưng cửa hàng tạp hóa Phượng Hóa, phường Bắc Gia Nghĩa không mặn mà chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, chủ cửa hàng, hiện tại, cơ sở vẫn nằm trong diện nộp thuế khoán và có phát sinh hóa đơn.

“Chúng tôi là mô hình kinh doanh theo hộ gia đình. Nếu lên doanh nghiệp, cơ sở phải thuê kế toán làm sổ sách, con dấu, kê khai nhiều loại thuế liên quan… Nói chung thấy phức tạp lắm”, bà Phượng cho hay.

Cần thêm những cú hích

Thực tế, ngoài những nguyên nhân trên, việc thiếu kỹ năng quản lý là một thách thức cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể. Bởi vì, đa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không có kỹ năng kế toán.

Đa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không có kỹ năng kế toán nên rất ngại phát triển lên doanh nghiệp

Đa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không có kỹ năng kế toán nên rất ngại phát triển lên doanh nghiệp

Đại diện Chi cục thuế khu vực XIV phụ trách địa bàn Đắk Nông cũ cho hay, trong số hàng ngàn hộ cá thể mà đơn vị quản lý, có khoảng 70% trường hợp không có hồ sơ, không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản.

Chưa kể, chính sách thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn vẫn không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Để hộ kinh doanh phá vỡ tâm lý, phát triển lên doanh nghiệp, cần sự “tiếp sức” từ nhiều phía.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp hiện nay không nên chạy theo số lượng mà phải thực sự có môi trường cạnh tranh lành mạnh

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp hiện nay không nên chạy theo số lượng mà phải thực sự có môi trường cạnh tranh lành mạnh

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, mỗi người có thể thành lập ra một doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp tăng lên rất nhanh. Vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp như thế nào.

Phát triển doanh nghiệp hiện nay không nên chạy theo số lượng, mà phải thực sự có môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển có chiều sâu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng, xã Cư Jút

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng, xã Cư Jút

Về phía UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính. Cần tạo ra một sân chơi công bằng trong kinh doanh, để các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên thành doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị có quy mô lớn hơn.

Việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cần đẩy mạnh. Bởi những doanh nghiệp siêu nhỏ đặc biệt nhạy cảm với việc tăng chi phí về thủ tục hành chính. Khi chi phí này tăng cao sẽ cản trở nhu cầu, mong muốn chuyển lên thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp tại xã Nam Dong

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp tại xã Nam Dong

Cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế để các hộ kinh doanh cảm thấy thuận lợi trong quá trình tuân thủ thủ tục. Từ đây, hộ kinh doanh sẽ mạnh dạn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Theo Sở Tài chính Lâm Đồng về phía đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan liên quan rà soát số hộ kinh doanh có đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp. Sở Tài chính tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các hộ bằng những giải pháp cụ thể như: phân công cán bộ hướng dẫn hộ kinh doanh về thủ tục, hồ sơ chuyển thành doanh nghiệp, tư vấn định hướng kinh doanh, hỗ trợ về mặt pháp lý…

Khu vực kinh tế tư nhân cả nước hiện có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940.000 doanh nghiệp. Hộ kinh doanh vẫn tăng đều qua các năm do mô hình này đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, quản lý không chặt chẽ về chứng từ kế toán. Nghị quyết 68 khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Nguyễn Lương

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/vi-sao-135-000-ho-kinh-doanh-lam-dong-ngai-len-doanh-nghiep-380903.html
Zalo