Vẽ Thiệp từ niềm thấu hiểu, trân trọng
HNN - Người yêu văn chương và nghệ thuật xứ Huế như có một hành trình tìm về lại những truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, không phải trên từng trang giấy mà ngay trên các tác phẩm gốm, do chính ông và những họa sĩ yêu mến ông sáng tác.

Chân dung Nguyễn Huy Thiệp và những câu thoại trên tác phẩm gốm
Hơn 40 họa sĩ trên cả nước với lòng cảm mến và sự thấu hiểu dành cho Nguyễn Huy Thiệp đã vẽ nên hơn 100 tác phẩm gốm. Sau khi trưng bày ở nhiều nơi, những tác phẩm ấy đã dừng chân lại Huế trong không gian Lan Viên Cố Tích (tại số 94-96-98 Bạch Đằng, phường Gia Hội - nay là phường Phú Xuân) trong những ngày đầu tháng 7.
Ngay khi bước vào không gian văn hóa này, công chúng ngay lập tức bị cuốn hút bởi những chiếc đĩa, bình… mang tên “gốm Thiệp”, được trang trí bằng những câu văn, câu thơ được trích dẫn từ những tác phẩm kinh điển của ông, như: Tướng về hưu, Muối của rừng, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, Kiếm sắc, Phẩm tiết… Những truyện ngắn từ lâu đã in đậm trong lòng người yêu văn chương nay được tái hiện một cách độc đáo thông qua nghệ thuật gốm.
Đâu đó, chân dung cố nhà văn cũng được các nghệ sĩ khắc họa vô cùng ấn tượng, qua ánh đèn như phảng phất thêm chất riêng của nhà văn tài hoa và cá tính. Cũng trong không gian ấy, công chúng còn được thưởng ngoạn các tác phẩm gốm do chính Nguyễn Huy Thiệp vẽ lúc sinh thời mà ông gọi đó là thú vui.

Chân dung Nguyễn Huy Thiệp và những câu thoại trên tác phẩm gốm
Nhiều người yêu văn chương Nguyễn Huy Thiệp không khỏi xúc động khi bước vào không gian triển lãm. Dọc theo các tác phẩm gốm, những trang văn một thời như được lần giở với tấm lòng mến mộ. “Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp hơn 20 năm trước và giờ đây những tác phẩm ấy vẫn cứ ám ảnh tôi. Vui hơn khi lần này được “đọc” Nguyễn Huy Thiệp theo một cách khác, ấn tượng cũng không kém”, anh Nguyễn Vũ, một người Huế yêu văn chương tâm tình. Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng chia sẻ, mọi người đều yêu mến ông, có cả những người gần như chưa tiếp xúc với ông, nhưng những tác phẩm văn chương của Thiệp từ lâu đã in đậm trong lòng người.
Gần 20 năm về trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ Lê Thiết Cương đã từng mời nhiều bè bạn họa sĩ vẽ minh họa cho tuyển tập truyện ngắn của ông, được Công ty cổ phần Văn hóa Đông A (Đông A Books) xuất bản. Hiện những chân bản minh họa này do hai người con trai của cố nhà văn là Bách và Khoa lưu giữ tại gia đình. Những bản vẽ cho thấy họa sĩ đã đọc ông thế nào, hiểu ông, hiểu cuộc sống của ông và chính họ đã trải qua mà hình thành bản vẽ. Chúng không còn là minh họa truyện nữa mà là những suy tưởng từ cuộc sống và nhãn quan của nhà văn, cùng với phong cách vẽ của từng cá nhân.
Hơn 40 nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này phần đông là họa sĩ, số khác là nhà văn, nghệ sĩ ở nhiều ngành nghệ thuật khác. Thế nhưng, họ có điểm chung là thấu hiểu Nguyễn Huy Thiệp qua truyện ngắn của ông, phản ánh một thời kỳ đầy biến động và trớ trêu của cuộc sống.
Cũng theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Huy Thiệp cũng tham gia vẽ từ lâu, nhất là trong thời bao cấp, ông thường xuyên đi cùng họa sỹ vẽ thuê trang trí cho hội chợ triển lãm Giảng Võ để kiếm thêm thu nhập. Dù là tự học và không hề có ý định thành họa sĩ, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã vẽ và thể hiện được mình qua nét vẽ, sau này không còn phải đi vẽ thuê triển lãm nữa, ông vẫn giữ việc vẽ trên gốm, đặc biệt thích vẽ chân dung những người bạn trên đĩa gốm và bình lọ gốm. Đó là những hình ảnh rất thành thật như ông nghĩ.
“Những bức họa được vẽ trên đĩa, bình, lọ lần này của các nghệ sĩ cũng là cảm nhận và phong cách riêng đã có của từng người. Họ có cái nhìn riêng về văn chương của ông kết hợp với thói quen hội họa vẫn vẽ tranh của họ mà đưa lên gốm. Vẽ gốm bằng màu lam chàm (oxit cobanlt) và màu xanh lục (oxit mangan) cũng hạn chế về màu và khá khó vẽ. Loãng quá thì loang chảy, đặc quá dễ cháy màu. Tuy vậy, về cơ bản chúng được vẽ như lối vẽ thủy mặc đen trắng, mà hầu hết các họa sĩ đã làm quen. Cũng không hẳn là minh họa văn chương, nhiều hơn là cảm nghĩ về cuộc đời cùng với Nguyễn Huy Thiệp”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho hay.