Về Tam Đảo ăn 'bò kiến đốt'
Anh Nguyễn Quốc Hưng - giáo viên Tiểu học ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, hôm nay đãi khách từ xa đến thăm bằng món đặc sản của vùng Tam Đảo: bò tái kiến đốt.
“Nghe lạ tai, nhưng cơ bản là mình ra chợ, mua thịt bò tươi về treo lên cây cho kiến bâu, đốt, rồi lấy xuống đem đi nướng” - anh Hưng nói.
Anh Hưng năm nay 36 tuổi, quê huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, cách chỗ dạy học hơn 20km. Anh nói khi về đây công tác mới biết đến món ăn “lạ” này. “Nhưng ở Tam Đảo, không phải ai cũng biết đâu. Bằng chứng là quanh vùng không thấy quán nào phục vụ bò kiến đốt. Chắc chắn đây không phải là món ăn phổ biến” - anh Hưng nói.
Hơn 30 phút sau khi treo miếng thịt, anh Hưng mặc áo mưa, trùm kín đầu, leo lên cây muỗm dỡ thịt xuống. Kiến bu đen miếng thịt bò, chạy tán loạn trên tấm áo nylon, tay và chân anh Hưng. Lấy tấm vải phủi sạch kiến trên người, anh xách miếng thịt quăng vào chậu nước pha ít muối trắng, xối nước rửa.
Miếng thịt bị kiến đốt từ màu đỏ au chuyển qua màu hồng nhạt, có chỗ gần thành màu trắng. Sau khi rửa sạch kiến, anh Hưng đốt củi, bắc giàn nướng, lâu lâu cho một ít dầu ăn lên miếng thịt để bò nướng không bị khô. Anh ra vườn hái thêm chuối xanh, khế chua, một ít rau ngổ. Gừng thái chỉ bỏ vào bát tương (đỗ tương). Ai không thích tương có thể thay bằng nước mắm. Thịt bò chín tái, khi thái ra vẫn còn sắc đỏ.
Miếng bò nướng thơm, ngọt, quyện vị than củi, thêm tí chát của chuối xanh, tí chua của khế, hăng nồng của rau ngổ, mặn nhẹ của tương, nhưng khác lạ hơn cả là vị chua khen khét của nọc kiến.
Trên một vài tờ báo, người ta viết rằng mòn bò kiến đốt do đồng bào Sán Dìu ở vùng Tam Đảo nghĩ ra. Nhưng theo anh Hưng, trải qua hàng chục năm dạy học ở Đạo Trù, xã có 90% dân số là người Sán Dìu, nói “điều này có vẻ không chính xác”. Theo anh, người dân trong vùng xưa rất nghèo, nay vẫn chưa thực sự sung túc, thức ăn chủ yếu là cơm rau dưa, lấy đâu ra thịt bò cả tảng, lại còn cầu kỳ treo lên cây cho kiến đốt.
Nhìn chung, người Sán Dìu ăn uống đạm bạc, chủ yếu là cơm và các loại rau theo mùa vụ như rau muống, củ cải, su hào, cải bắp, cà chua, đỗ ván... hoặc các loại rau rừng, măng rừng, nấm rừng, cũng có thể là các loại canh đậu, canh khoai sọ, củ từ, củ mỡ... Cách chế biến thường là xào, luộc, nấu canh.
“Thịt hoặc cá cũng có nhưng không thường xuyên” - ông Hoàng Văn Tám (67 tuổi), người Sán Dìu ở thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù cho biết. Ông Tám kể, ngày xưa thường chỉ đến Tết bà con mới có nhiều thịt ăn. “Mâm cơm Tết cơ bản có các món gà luộc, thịt lợn nướng, thịt chua, nem rán, bánh chưng gù, bánh tro”. Ông Tám bảo cũng nghe nói về món bò kiến đốt nhưng không nghĩ đó là món ăn do người Sán Dìu sáng tạo ra, hoặc “có mà mình không biết”.
Anh Hưng cũng cho hay không rõ món bò kiến đốt từ đâu ra, chỉ nghe bạn bè bày cho nhau rồi làm. “Dù gì thì đây cũng là một nét đặc sắc của Tam Đảo. Lên vùng này, ngắm cảnh núi non hùng vỹ, thăm vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu, lại ăn một thứ gì đó thú vị, mang bản sắc địa phương thì vị ngon sẽ được nhân lên mấy phần”.
Năm 2022, món bò tái kiến đốt Tam Đảo và su su Tam Đảo xào thịt bò của Vĩnh Phúc được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam đưa vào danh sách 100 món ăn đặc sắc Việt Nam do tổ chức này bình chọn.