Về những vùng trồng đào nổi tiếng xứ Thanh

Vùng đất Quảng Xương, Triệu Sơn, Như Thanh... được đánh giá là những địa phương nổi tiếng, thuận lợi cho phát triển cây đào và có diện tích trồng đào nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa. Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, về những vùng đào Quảng Chính (Quảng Xương), Xuân Du (Như Thanh)... cảm nhận không khí rộn ràng của người bán, người mua. Cây đào bắt đầu bung nở những cánh hoa hồng thắm, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp, ý nghĩa.

Xã Quảng Chính (Quảng Xương) là địa phương nổi tiếng với nghề trồng đào kép.

Xã Quảng Chính (Quảng Xương) là địa phương nổi tiếng với nghề trồng đào kép.

Về vùng đào kép Quảng Chính

Từ độ đầu tháng 12 âm lịch, về vùng đất Quảng Chính nổi tiếng với giống đào phai kép của huyện Quảng Xương, bà con đang tất bật với công đoạn tuốt lá, cắt tỉa cành khô rồi “khơi bầu” cho cây đào. Dọc con đường về trung tâm xã Quảng Chính, hai bên đường, những khu đất trồng đào đã được cắm biển giới thiệu địa chỉ mua đào.

Anh Lê Văn Ngọc (Nông trại Ngọc Farm), xã Quảng Chính đang tất bật chăm sóc vườn đào chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Anh cho biết: Gia đình có hơn 2.000 gốc đào, bao gồm đào phai kép và đào thế. Đến thời điểm hiện tại, vườn đào của anh đã được khách đặt nhiều. Đào phai kép Quảng Chính trung bình có từ 28-30 cánh/bông. Đào nhiều nụ, khi nở thì bông to, lại lâu tàn, bền màu nên được người dân, thị trường và khách hàng ưa chuộng.

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Ngọc cũng đã học hỏi và chuyển sang trồng các gốc đào thế được lai tạo, ghép giống đào phai kép Quảng Chính với gốc đào lâu năm được nhập từ các tỉnh phía Bắc. Trồng và chăm sóc đào thế vất vả hơn nhưng nếu chăm sóc tốt, kỹ thuật tốt cây cho giá trị cao. Khách hàng đến với gia đình anh không chỉ trong tỉnh mà còn nhiều khách đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trung bình, gốc đào kép Quảng Chính, đào thế có giá từ 2 triệu đến hơn 10 triệu đồng/cây trở lên.

Anh Lê Văn Ngọc với vườn đào kép, đào thế ở xã Quảng Chính.

Anh Lê Văn Ngọc với vườn đào kép, đào thế ở xã Quảng Chính.

Chính Đa là thôn có diện tích trồng đào nhiều ở xã Quảng Chính. Những ngày cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hộ dân trong thôn cũng tất bật cho công đoạn chăm sóc, tuốt lá và giới thiệu cây đào khi khách đến thăm.

Gia đình anh Mai Ngọc Giang đã có kinh nghiệm 10 năm trồng đào. Trước đây mảnh ruộng gia đình anh trồng thuốc lào, lúa; nay đã được chuyển đổi sang trồng cây đào phai kép. Hiện tại gia đình anh có 200 gốc, trong đó có 100 gốc đào chuẩn bị bán dịp tết. Từ khoảng mùng 10/12 âm lịch, khách đã đặt 20 - 30 gốc đào.

Có nhiều kinh nghiệm hơn, với 12 năm trồng đào, hiện tại vườn đào của gia đình anh Mai Ngọc Hữu có hơn 500 gốc, trong đó có 300 gốc đào bán vào dịp tết. Theo anh Hữu: Đào kép Quảng Chính là giống đào tự nhiên. Từ độ tháng 12 âm lịch, bà con bắt đầu tỉa lá, “khơi bầu” cho cây đào kịp ra lớp rễ non. Cây đào càng để lâu thì càng có giá trị và giá bán càng cao. Hiện nay ở thôn Chính Đa, tại mỗi vườn đào, các hộ sẽ chọn những cây to khỏe (hay còn gọi cây mẹ) để lấy hạt làm giống. Những ngày cuối năm, bà con không chỉ chăm sóc đào chuẩn bị cung ứng ra thị trường dịp tết mà còn chuẩn bị cho vụ mùa sau.

Đào khoe sắc thắm đón xuân về

Ở thôn Chính Đa nhiều người còn biết đến gia đình ông Nguyễn Văn Vệ, là một trong những người trồng đào phai kép lâu năm nhất ở Quảng Chính. Ông Vệ đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng đào. Hiện tại gia đình ông có 400 gốc đào chuẩn bị bán vào dịp tết và hơn 500 gốc đào con cho vụ sau. Theo ông Vệ, một cây đào cho giá trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi cây, thế cây, số lượng nụ, hoa, quả... “Vườn đào của gia đình tôi, cây đào giá trị nhất đã 12 - 13 năm tuổi, được khách đặt mua với giá hàng chục triệu đồng”. Vì thế, hàng năm trừ chi phí, gia đình ông Vệ cho thu nhập từ trồng đào khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Vệ có việc làm, thu nhập cao từ nghề trồng đào mà nhiều người dân trồng đào ở Quảng Chính đã và đang có cuộc sống, thu nhập ổn định từ cây đào.

Theo ông Vệ, để vùng đào Quảng Chính phát triển, gìn giữ được giống đào kép lâu đời của địa phương thì người trồng đào không chỉ mở rộng diện tích mà cần quan tâm đến chất lượng, chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật để tăng giá trị. Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, quảng bá cây đào Quảng Chính vươn xa...

Nếu như cây đào phai kép Quảng Chính được biết đến với giống đào phai nhiều cánh mang nét đặc trưng riêng thì vùng đào Xuân Du là giống đào phai 5 cánh, màu phớt hồng dịu dàng. Cây đào phai ở Xuân Du được tạo thế đẹp mắt. Vùng đất Xuân Du được đánh giá là “thủ phủ đào phai” của xứ Thanh.

Ông Nguyễn Văn Vệ, thôn Chính Đa, xã Quảng Chính có hơn 20 năm trồng đào kép.

Ông Nguyễn Văn Vệ, thôn Chính Đa, xã Quảng Chính có hơn 20 năm trồng đào kép.

Còn ở thôn 6, xã Xuân Du, nhiều người biết đến gia đình ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường là hộ trồng nhiều đào và lâu năm. Hiện nay gia đình ông có hơn 3.000 gốc đào, hơn 800 gốc thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, gia đình ông Lưu thu nhập từ đào, thanh long hơn 300 triệu đồng. Ông Lưu không chỉ là hộ làm kinh tế giỏi mà còn là người có uy tín của thôn 6. Ông Lưu cũng tích cực hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm về trồng đào đến với bà con trong vùng. Thôn 6, xã Xuân Du có hơn 200 hộ, trong đó có 70 hộ là đồng bào dân tộc Mường. Nghề chính của bà con là trồng cây đào phai. Ngoài ra, ở Xuân Du còn có hộ gia đình anh Đỗ Đình Hữu, hiện đang có hơn 1.200 gốc đào phai.

Theo tìm hiểu, những năm qua, xã Xuân Du đã chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng đào, cho giá trị kinh tế cao. Cây đào trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Xuân Du. Hiện nay, toàn xã có hơn 200 ha đất trồng đào phai... Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân còn trồng những cây đào thế, đào ghép tạo dáng thế cho giá trị cao...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ve-nhung-vung-trong-dao-noi-tieng-xu-thanh/30116.htm
Zalo