Về nguồn cùng tuổi trẻ: Tri ân và tiếp nối
Hành trình tri ân xuyên Việt vào tháng 7/2025 mang theo thông điệp biết ơn, kết nối các thế hệ bằng trái tim yêu nước.

Sinh viên dâng hương tri ân tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
Tháng 7 - tháng của những tri ân, của những ký ức lịch sử sống dậy qua từng dấu chân, đoàn tình nguyện viên từ hai đầu đất nước cùng hội ngộ trong "Hành trình tri ân 2025 – Những chuyến xe cùng chung nhịp đập".
Chương trình do câu lạc bộ (CLB) Ngọn Lửa Tuổi 20 (trực thuộc Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Đoàn trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và CLB Mãi mãi tuổi 20 (tiền thân là Quỹ Mãi mãi tuổi 20, trực thuộc UBND TP Hà Nội) tổ chức.
Hành trình kéo dài sáu ngày, từ ngày 4 - 9/7, trải dọc từ Huế - Quảng Trị - Hà Tĩnh - Nghệ An - Hà Nội để thực hiện công tác tri ân và thiện nguyện, hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày thương binh, liệt sĩ.
Đoàn đã đi qua hàng loạt địa danh gắn với lịch sử dân tộc như Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Hang Tám Cô, Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn,...
Khi tuổi trẻ viết tiếp khúc tráng ca tri ân
Trực tiếp tham gia tổ chức hành trình, Trần Bảo Trân - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) khẳng định vai trò của người trẻ chính là người kết nối quá khứ và hiện tại bằng cảm xúc và trách nhiệm.
“Khi đồng hành cùng các cô chú cựu chiến binh, sinh viên không chỉ thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, mà còn được nghe chính các nhân chứng sống kể lại những câu chuyện lịch sử bằng tất cả xúc cảm chân thành nhất. Đó là cách để lịch sử chạm vào trái tim các bạn trẻ, không khô khan, không xa cách", Bảo Trân chia sẻ.

Đoàn tình nguyện tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
Với Lê Ngân Hà - sinh viên năm 2 ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), hành trình 6 ngày 5 đêm là một trải nghiệm đáng nhớ, nơi mỗi điểm dừng đều khơi dậy sự xúc động và biết ơn sâu sắc.
“Em nhớ nhất là lúc đến Truông Bồn, nơi 13 nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống. Câu chuyện ấy không còn nằm trên trang sách, mà hiện lên sống động trước mắt em. Đó không chỉ là một câu chuyện, mà là một lát cắt của lịch sử, được kể bằng tất cả sự nghẹn ngào và xót xa.
Khi ấy, mọi người trong đoàn, từ các u, các bác từng đi qua chiến tranh cho đến chúng em, những người trẻ lớn lên trong thời bình đều không kiềm được nước mắt. Không khí lúc đó lặng đi, không ai bảo ai, nhưng tất cả đều cảm thấy lòng mình nhói lại, nghẹn ngào, và đầy biết ơn", Hà bồi hồi nhớ lại.

Sinh viên xúc động lắng nghe câu chuyện về 13 nữ thanh niên xung phong tại Truông Bồn. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
Không chỉ có những giờ phút nặng lòng, Hà còn nhớ mãi những khoảnh khắc vui vẻ trên xe, khi các thế hệ cùng nhau hát, kể chuyện và chia sẻ tâm tư.
Điều mà mỗi tình nguyện viên mang về không chỉ là kỷ niệm, mà còn là động lực để sống tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với Tổ quốc và với chính tuổi trẻ.
"Em học được cách lắng nghe, lắng nghe những câu chuyện của các bác cựu chiến binh, những trang sử không có trong sách giáo khoa nhưng đậm chất người, chất đời.
Em học được cách biết ơn, biết ơn vì những hy sinh thầm lặng đã làm nên hòa bình, vì sự bao dung và tình yêu thương mà các U, các bác dành cho chúng em.
Em cũng học được cách sống chậm lại, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt trân trọng hơn, và nuôi dưỡng trong mình một tinh thần dấn thân, sẵn sàng cống hiến", Lê Ngân Hà bày tỏ.


Đoàn tình nguyện dâng hương tưởng niệm tại Hang Tám Cô. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
20 năm lan tỏa ngọn lửa tri ân
Được xem là “chim đầu đàn” trong suốt 20 năm tổ chức hành trình tri ân, bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Mãi Mãi Tuổi 20, Trưởng ban tổ chức chương trình vẫn giữ nguyên niềm xúc động khi nhắc đến chuyến xe nghĩa tình năm nay.
"Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, đoàn đã đến 11 nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương, thắp nến tri ân và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa. Các sinh viên từ TPHCM còn phải trải qua vòng phỏng vấn để được chọn tham gia, điều đó cho thấy sự chủ động và tinh thần nghiêm túc của các bạn", bà Dung nói.

Bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Mãi Mãi Tuổi 20, Trưởng ban tổ chức chương trình.
Theo bà Dung, hành trình năm nay đông đảo và chung một nhịp đập hơn mọi năm.
Bà xúc động nhớ lại đêm ngày 4/7, khi cả đoàn quây quần trong một căn phòng, gọi bà Dung bằng cái tên trìu mến “U”, cùng kể chuyện, hát hò, cười đùa như một gia đình lớn.
“Sáng hôm sau phải dậy từ 5 giờ để tiếp tục hành trình, vậy mà ai cũng đầy năng lượng. Tôi gọi đó là 'vitamin' yêu thương, được nạp đầy từ những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết”, bà Dung bồi hồi nhớ lại.


Nhiều năm đồng hành cùng hành trình tri ân, bà Dung chứng kiến nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành hơn từ những lần lên đường. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
"Vượt ra khỏi giới hạn của giảng đường, mỗi năm, những bạn sinh viên mà chúng tôi thân thương gọi là "lửa" lại vượt hàng nghìn cây số, đến hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ để dâng lên nén nhang thành kính. Khi những giọt nước mắt tuổi trẻ lặng lẽ rơi trên gò má, đó là lúc các bạn đã thực sự thấm nhuần tinh thần bất khuất, yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Từ những chuyến đi ấy, các bạn dần thay đổi tư duy, thêm yêu lịch sử đất nước và mang trong mình khát vọng cống hiến. Các bạn học tập, rèn luyện chăm chỉ hơn để góp phần dựng xây Tổ quốc giàu mạnh. Chính các bạn, trong hành trình trưởng thành ấy, lại tiếp tục truyền ngọn lửa tri ân cho thế hệ sau", bà Dung cho hay.


Sinh viên hai miền Nam – Bắc cùng hòa một lòng yêu nước, nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ. Ảnh: CLB Ngọn lửa tuổi 20.
Từ lòng biết ơn đến hành động cụ thể, hành trình tri ân không dừng lại ở một chuyến đi, mà trở thành nguồn cảm hứng để tuổi trẻ sống đẹp hơn mỗi ngày. Như lời nhắn nhủ của sinh viên Lê Ngân Hà: "Yêu nước không nhất thiết phải là điều to lớn. Chăm học, sống tử tế, biết nói lời cảm ơn cũng là cách tri ân và tiếp nối truyền thống dân tộc".
CLB Ngọn lửa tuổi 20 ra đời gắn liền với CLB Mãi mãi tuổi 20, tiền thân là Quỹ Mãi mãi tuổi 20, trực thuộc UBND TP Hà Nội.
CLB Mãi mãi tuổi 20 quy tụ các cựu chiến binh, là bộ đội Tăng thiết giáp giai đoạn 1969 - 1971.
Lấy cảm hứng từ hai cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, CLB trở thành nơi tri ân tuổi trẻ và sự hy sinh của những người đã khuất cũng như gửi gắm tâm nguyện của người ở lại.