VCCI kiến nghị nới lỏng quy định quản lý đối với sàn thương mại điện tử quy mô nhỏ

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi văn bản góp ý đối với Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương.

Theo quy định hiện hành, tất cả các sàn thương mại điện tử, không phân biệt quy mô hay phương thức hoạt động đều bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký, xin cấp phép trước khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng cách quản lý đồng nhất này là chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là đối với các sàn nhỏ hoặc các nền tảng khởi nghiệp (start-up) mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

VCCI lập luận rằng một số sàn chỉ đơn thuần đóng vai trò như kênh đăng tải thông tin sản phẩm, trong khi toàn bộ quá trình giao dịch, từ giao kết, thanh toán đến vận chuyển lại được thực hiện qua các kênh ngoài sàn như điện thoại, tin nhắn hoặc ứng dụng nhắn tin.

Với mô hình hoạt động tương tự "bảng rao vặt trực tuyến", những nền tảng này không tiềm ẩn rủi ro đáng kể, do đó việc áp dụng cùng một quy chuẩn quản lý với các sàn thương mại điện tử quy mô lớn là không cần thiết.

Bên cạnh đó, VCCI dẫn chứng từ Nghị định số 147/2024 cho thấy, đối với lĩnh vực mạng xã hội có nhiều điểm tương đồng về bản chất và ảnh hưởng - pháp luật đã cho phép áp dụng cơ chế quản lý linh hoạt hơn với các nền tảng quy mô nhỏ.

Tương tự, các sàn thương mại điện tử nhỏ nên được phép chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo trước khi hoạt động và chỉ cần xin cấp phép chính thức khi phát triển đến một mức độ nhất định về quy mô hoặc tác động xã hội.

VCCI cũng đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ liên quan đến việc quản lý các website thương mại điện tử bán hàng. Theo tổ chức này, website bán hàng trực tuyến chỉ là một phương thức bán hàng mới dựa trên nền tảng công nghệ, không phải là một mô hình kinh doanh độc lập hoàn toàn.

Do đó, yêu cầu doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh phải thực hiện thêm thủ tục thông báo khi triển khai kênh bán hàng trực tuyến là không cần thiết, gây tốn kém chi phí và gia tăng gánh nặng hành chính.

VCCI viện dẫn rằng theo Nghị định 52/2013, mọi website thương mại điện tử bán hàng, kể cả những trang chỉ giới thiệu sản phẩm đều phải thực hiện thủ tục thông báo.

Dù Nghị định 85/2021 đã thu hẹp phạm vi xuống còn các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, nhưng việc điều chỉnh này vẫn chưa thực sự tạo ra chuyển biến đáng kể.

Trong thực tế, hơn 44% doanh nghiệp hiện sở hữu website và trong số đó, 42% có tích hợp chức năng đặt hàng, khiến số lượng hồ sơ thông báo tăng mạnh, đạt tới 105.103 hồ sơ trong năm 2023.

Quan trọng hơn, theo VCCI, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy việc doanh nghiệp không thực hiện thông báo website bán hàng gây ra hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế hoặc xã hội.

Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực tiễn của chính sách hiện hành, và cho thấy nhu cầu cần thiết phải chuyển từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm, nhằm giảm bớt thủ tục, thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vcci-kien-nghi-noi-long-quy-dinh-quan-ly-doi-voi-san-thuong-mai-dien-tu-quy-mo-nho-319699.html
Zalo