VCCI cùng 4 tỉnh, thành phố bàn giải pháp liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh
Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía đông với chủ đề 'Liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh' với sự tham gia của VCCI và lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Ngày 12/12, tại tỉnh Quảng Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía đông với chủ đề 'Liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh'
Trên cơ sở Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông do VCCI ký kết với 4 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và tiếp nối thành công của Diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía đông được tổ chức vào năm 2023, chiều 12/12, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía đông, Ban Pháp chế VCCI, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh và Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn KCN trục cao tốc phía đông.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trong 2 năm qua, nhiều hoạt động hợp tác giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của 4 tỉnh, thành phố.
Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút được nguồn lực đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các hoạt động nằm trong chương trình hành động kết nối trục kinh tế phía Đông như tập huấn kỹ năng vận động chính sách và pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới; tổ chức hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thu hút đầu tư FDI vào các KCN ở Hải Dương đạt 680 triệu USD và DDI đạt 4.507 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư ước quy đổi khoảng 865 triệu USD). Hiện, tỉnh Hải Dương có 17/24 KCN đã được thành lập với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.738 ha; trong đó, có 12 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh, các KCN còn lại đang triển khai giải phóng mặt bằng, sớm thi công hạ tầng để thu hút đầu tư.
Các dự án đầu tư trong KCN chủ yếu là dự án FDI thuộc các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông), Anh... với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phát triển các cơ sở công nghiệp tập trung, có sự hợp tác, gắn kết tương hỗ trong một không gian đủ gần, có liên kết hiệu quả cả về hạ tầng cứng và mềm đã và đang có ý nghĩa quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, diễn đàn hôm nay là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các KCN trục cao tốc phía đông. Qua đó, mở cơ hội để các KCN kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc...
Về lâu dài, cần hình thành phát triển các KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh; để hình thành chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất đối với lĩnh vực công nghệ cao, từ khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo, các Vender, dịch vụ Logistics,... đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáng tin cậy, ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thông tin, đến nay, TP Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn là 32,5 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng có sự tăng trưởng vượt bậc, bình quân thu hút được 3,6 tỷ USD/năm, luôn nằm trong top đầu về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 33,25 tỷ USD, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 190 triệu tấn.
Nhằm phát huy những lợi thế của các địa phương, để khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía đông có thể đi trước đón đầu dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới, TP Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với VCCI cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ Logistics; chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới, sáng tạo trong khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía đông, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Tham gia ý kiến tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định: Sau 2 năm ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế VEHEC, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, tỉnh đã thu hút trên 2.300 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD; quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung với diện tích 12.000 ha… Công tác giải phóng mặt bằng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Để thúc đẩy cung ứng chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị một số nội dung: Thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng mức, đồng bộ, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương trong VEHEC, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa trong khu vực và thế giới. Nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ có chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư thực hiện dự án công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao; phân cấp cho địa phương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình cấp I...
Chiều 28/7/2022, tại TP Hạ Long, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Chủ tịch VCCI đã ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông.
Đây là một sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái. Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía bắc.
4 địa phương có lợi thế lớn về kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, có trục cao tốc phía đông nối một đầu là thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ. Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.
Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành phố. Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI. VCCI sẽ phát huy đội ngũ chuyên gia và các thế mạnh của VCCI trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các ngành và các đối tác quốc tế để cùng 4 tỉnh, thành phố tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.