Vận tải đường bộ phát triển ra sao sau 10 năm?

Cục Đường bộ VN vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đường bộ chiếm hơn 90% thị phần vận tải hành khách

Cục Đường bộ VN cho biết: Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vận tải đường bộ tăng trưởng cả về sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vận tải đường bộ phát triển vượt bậc, tăng trưởng cả về sản lượng và chất lượng (ảnh minh họa).

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vận tải đường bộ phát triển vượt bậc, tăng trưởng cả về sản lượng và chất lượng (ảnh minh họa).

Từ năm 2016 đến nay, tổng sản lượng vận tải hành khách đường bộ ước đạt 190,4 triệu HK, khối lượng luân chuyển ước đạt 10,87 tỷ HK.Km; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 11,8%.

Tổng sản lượng vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 50 triệu tấn, khối lượng luân chuyển ước đạt 2,6 tỷ T.Km, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 13,36%.

Tính đến đầu năm 2025, vận tải đường bộ vẫn đảm nhận hơn 90% khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Vận tải hành khách tuyến cố định phủ khắp cả nước với khoảng 10.039 tuyến và hơn 13.000 hành trình. Cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.

Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, cơ bản hình thành mạng lưới phủ rộng trên toàn địa bàn, chất lượng dịch vụ không ngừng nâng cao, khẳng định được vai trò của giao thông công cộng trong khắc phục ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hệ thống giao thông đô thị bền vững.

Phương tiện vận tải cũng tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, nếu như năm 2013 cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2024, số lượng này tăng gấp gần 8 lần với khoảng 956.062 xe ô tô kinh doanh vận tải đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng số 100.303 đơn vị kinh doanh vận tải.

Trong đó, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định có 17.659 xe (chiếm 5,07%); xe buýt có 8.950 xe (chiếm 2,57%); xe hợp đồng có 245.764 xe (chiếm 70,53%); xe du lịch có 4.629 xe (chiếm 1,33%); xe taxi có 70.241 xe (chiếm 20,16%); vận tải hàng hóa, xe tải có 607.379 xe; xe taxi tải có 233 xe (chiếm 0,04%).

Theo Cục Đường bộ VN, sự xuất hiện loại hình xe hợp đồng ứng dụng công nghệ phần mềm như Grab, Be, Gojek... đã thúc đẩy cạnh tranh và làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu đội xe.

Chất lượng phương tiện được cải thiện rõ rệt; nhiều doanh nghiệp đầu tư xe đời mới, trang bị điều hòa, wifi, GPS, camera hành trình, góp phần nâng cao trải nghiệm và an toàn cho hành khách. Các quy định kỹ thuật cũng được cập nhật theo lộ trình kiểm soát khí thải Euro 4, Euro 5, đặc biệt là với xe tải và xe khách.

Một số địa phương đã đưa vào vận hành xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch như CNG (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ), và thí điểm xe buýt điện (VinBus), đánh dấu những bước đầu trong quá trình chuyển đổi xanh trong vận tải hành khách công cộng.

Khuyến khích hình thành doanh nghiệp vận tải theo mô hình "đầu tàu"

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chiến lược, theo Cục Đường bộ VN vẫn còn tồn tại không ít hạn chế và bất cập. Cơ cấu thị phần vận tải chưa đạt mục tiêu tái cân đối, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn, gây áp lực cho hạ tầng và gia tăng chi phí logistics.

Cục Đường bộ VN cho rằng, thời gian tới, cần khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vận tải lớn theo mô hình "đầu tàu", có khả năng dẫn dắt thị trường (ảnh minh họa).

Cục Đường bộ VN cho rằng, thời gian tới, cần khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vận tải lớn theo mô hình "đầu tàu", có khả năng dẫn dắt thị trường (ảnh minh họa).

Mạng lưới xe buýt, vận tải hành khách công cộng chưa phát triển đồng đều, một số tỉnh đến nay vẫn chưa có tuyến xe buýt nội tỉnh.

Lực lượng doanh nghiệp vận tải còn manh mún, thiếu liên kết, quy mô nhỏ, trình độ quản lý còn hạn chế (tỷ lệ các đơn vị có quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 82%). Công nghệ vận tải tuy đã được ứng dụng tại các đô thị lớn nhưng chưa phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi. Nhiều mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ năng lực đổi mới phương tiện, tiếp cận vốn hoặc đầu tư vào nền tảng số.

Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn lúng túng, thiếu chủ động, chưa đồng bộ giữa các ngành và cấp quản lý. Dữ liệu vận tải tuy đã được số hóa nhưng chưa được khai thác hiệu quả, chưa có hệ thống phân tích và cảnh báo sớm rủi ro trong vận hành.

Đặc biệt, cơ chế quản lý các loại hình vận tải mới như xe công nghệ, xe hợp đồng điện tử vẫn còn bất cập, dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất trong điều hành và kiểm soát. Tình trạng "xe dù", hoạt động vận tải không đăng ký, không phép, vi phạm lộ trình vẫn tồn tại ở nhiều thành phố lớn, gây thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến uy tín ngành.

Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lái xe, điều hành và cán bộ quản lý vận tải còn chưa tương xứng với yêu cầu hiện đại hóa ngành.

Cục Đường bộ VN nhìn nhận: Trong giai đoạn tới, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, chiến lược phát triển phương tiện vận tải cần tập trung vào các giải pháp then chốt như: thúc đẩy phát triển xe điện, xe CNG thông qua chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng; xây dựng mạng lưới trạm sạc, trạm nạp nhiên liệu sạch tại đô thị lớn và các đầu mối vận tải; từng bước loại bỏ phương tiện không đạt chuẩn khí thải và khuyến khích nội địa hóa sản xuất xe buýt điện, xe tải điện.

Đồng thời, tăng cường số hóa trong quản lý phương tiện, giám sát hành trình và vận hành đội xe bằng công nghệ thông minh.

"Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để chiến lược này thành công, góp phần giảm phát thải, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến phát triển giao thông bền vững", Cục Đường bộ VN nhấn mạnh.

Mặt khác, lực lượng kinh doanh vận tải cũng cần được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa và gắn kết với chuỗi giá trị logistics. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, đổi mới phương tiện và áp dụng công nghệ.

Đặc biệt, cần khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vận tải lớn theo mô hình "đầu tàu", có khả năng dẫn dắt thị trường, liên kết chuỗi cung ứng và hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, đầu tư vào nguồn nhân lực ngành vận tải cũng là giải pháp then chốt – cần có chương trình đào tạo chuẩn hóa, kết nối giữa cơ sở đào tạo – doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhằm xây dựng lực lượng lao động vận tải có tay nghề, đạo đức nghề nghiệp và tư duy dịch vụ hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng toàn diện cho ngành vận tải đường bộ.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/van-tai-duong-bo-phat-trien-ra-sao-sau-10-nam-192250728181345899.htm
Zalo