Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc: Việc ban bố thiết quân luật nằm trong khuôn khổ Hiến pháp!
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, mặc dù có ý kiến cho rằng việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp là quá mức và không tuân thủ quy trình, nhưng trên thực tế, điều này đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt trong khuôn khổ phù hợp với Hiến pháp.
Ban bố thiết quân luật phù hợp Hiến pháp!
Hãng Reuters dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, mặc dù có ý kiến cho rằng việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp là quá mức và không tuân thủ quy trình, nhưng trên thực tế, điều này đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt trong khuôn khổ phù hợp với Hiến pháp.
Văn phòng Tổng thống cho biết, đã công bố lập trường nhằm truyền tải thông tin chính xác trước sự quan tâm lớn của quốc tế và hàng loạt câu hỏi từ các hãng truyền thông nước ngoài về sự kiện ban bố thiết quân luật. Các hãng truyền thông quốc tế sau đó đã sử dụng thông tin này để đưa tin.
Cụ thể, Văn phòng Tổng thống giải thích với truyền thông quốc tế rằng, như Tổng thống Yoon đã đề cập trong tuyên bố về việc ban bố thiết quân luật, đây là biện pháp không thể tránh khỏi để đối phó với các thế lực gây tổn hại đến an ninh quốc gia như việc đảng đối lập thúc đẩy luận tội các quan chức Chính phủ chủ chốt và đơn phương thông qua các dự luật, dự thảo ngân sách.
Việc ban bố thiết quân luật còn là nỗ lực nhằm bình thường hóa và khôi phục công tác điều hành quốc gia.
Ngoài ra, truyền thông quốc tế cũng cho biết Văn phòng Tổng thống giải thích Tổng thống Yoon đã có bài phát biểu khẩn cấp vào khuya ngày 3/12 là nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế của đất nước, cũng như việc triển khai lực lượng quân đội tới Quốc hội là được thực hiện một giờ sau tuyên bố của Tổng thống.
Kêu gọi đình chỉ thực thi chức vụ của Tổng thống
Sáng ngày 6/12, Chủ tịch đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân Han Dong-hoon đã triệu tập cuộc họp khẩn của Ủy ban tối cao đảng, nhấn mạnh, cần nhanh chóng đình chỉ thực thi chức vụ của Tổng thống Yoon Suk Yeol để bảo vệ Hàn Quốc và người dân, xét đến những sự thật mới được tiết lộ.
Chủ tịch Han cho biết có các bằng chứng tin cậy xác nhận việc Tổng thống Yoon đã chỉ thị Tư lệnh Bộ Tư lệnh chống gián điệp Yeo In-hyeong, một đồng minh của ông Yoon, huy động cả cơ quan tình báo để bắt giữ các chính trị gia chủ chốt với lí do những người này là thế lực phản quốc trong đêm ban bố thiết quân luật.
Ông Han cũng cho biết đã nắm được kế hoạch cụ thể của Tư lệnh Yeo In-hyeong là giam giữ các chính trị gia tại một cơ sở giam giữ ở thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeonggi.
Chủ tịch đảng cầm quyền cảnh báo, nếu ông Yoon tiếp tục tại vị, khả năng cao các hành động cực đoan tương tự như việc ban bố thiết quân luật lần này sẽ tái diễn, đặt đất nước và người dân Hàn Quốc vào nguy hiểm nghiêm trọng.
Mặt khác, Chủ tịch đảng đối lập Dân chủ đồng hành Lee Jae-myung trong bài phát biểu đặc biệt ở Văn phòng đại diện đảng tại Quốc hội ngày 6/12 cho biết, vụ thiết quân luật vừa qua là một hành vi bạo động, phản loạn, nổi dậy do Tổng thống Yoon thực hiện nhằm duy trì hoặc mở rộng quyền lực, nên cần phải loại ông Yoon ra khỏi chức Tổng thống sớm nhất có thể.
Ông Lee khẳng định tội gây bạo loạn không được áp dụng quyền miễn truy tố, và cần thực hiện đầy đủ các quy trình cần thiết như điều tra, bắt giữ, khởi tố và xử phạt trong phạm vi cần thiết.
Lãnh đạo đảng đối lập cũng kêu gọi giới chính trị và người dân cùng hành động để khôi phục nền dân chủ của Hàn Quốc vào ngày 7/12, khi dự thảo luận tội Tổng thống được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/12, Viện công tố tối cao Hàn Quốc tuyên bố lập Nhóm điều tra đặc biệt để điều tra cáo buộc tội gây bạo loạn trong nước liên quan tới vụ ban bố thiết quân luật.
Viện trưởng Viện công tố cấp cao Seoul Park Se-hyun được bổ nhiệm làm Trưởng nhóm điều tra đặc biệt. Ông Park từng là phát ngôn viên chuyên trách đầu tiên của Viện công tố khu vực Trung Seoul thời Tổng thống Yoon còn giữ chức Viện trưởng Viện công tố tối cao; sau đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện công tố khu vực Đông Seoul. Phó Trưởng nhóm điều tra đặc biệt là Phó Viện trưởng Viện công tố khu vực Nam Seoul Kim Jong-woo.
Trước đó ngày 5/12, Viện trưởng Viện công tố tối cao Shim Woo-jung đã ra chỉ thị cho Viện công tố trực tiếp điều tra các vụ tố giác Tổng thống Yoon về cáo buộc gây phản loạn liên quan tới tuyên bố thiết quân luật.
Viện trưởng Shim khẳng định các Công tố viên có thể bắt đầu điều tra “hành vi tội nổi loạn” của Tổng thống Yoon, và giao cho Viện công tố khu vực Trung Seoul phụ trách điều tra vụ việc.
Trước đó ngày 4/12, các đảng Lao động, Xanh, Công lí đã tố giác Tổng thống Yoon Seok Yeol, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và Tư lệnh Thiết quân luật Park An-su, yêu cầu áp dụng tội gây bạo loạn trong nước theo Hiến pháp.
Cảnh sát và Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng cũng đã bắt tay vào điều tra cựu Bộ trưởng Kim Yong-hyun về cáo buộc tương tự và ban lệnh cấm ông Kim xuất cảnh ra nước ngoài. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát quốc gia đã quyết định lập Đội điều tra chuyên trách với hơn 120 người để điểu tra vụ thiết quân luật lần này.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun trần tình về vụ thiết quân luật
Ngày 5/12, ông Kim đã đưa ra lập trường đầu tiên sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol phê duyệt đơn từ chức, trong đó nói rằng, ông chỉ tâm niệm một điều duy nhất là bảo vệ đất nước Hàn Quốc tự do.
Cựu Bộ trưởng Kim cho biết, nếu không xử lí triệt để các thế lực chống phá đất nước đang hoạt động ngầm trong xã hội, bao gồm cả thế lực ủng hộ chủ nghĩa Juche của Triều Tiên, thì đất nước Hàn Quốc tự do sẽ không có tương lai.
Hơn nữa, sự độc tài trong lập pháp của đảng đối lập Dân chủ đồng hành đã vượt qua giới hạn và khuôn khổ của pháp luật, dẫn đến tình trạng cắt giảm ngân sách chưa từng có và làm tê liệt hệ thống hành chính, tư pháp. Theo đó, Tổng thống Yoon tin rằng cần có các biện pháp khẩn cấp để vượt qua tình trạng này.
Ông Kim nhấn mạnh thêm hành động này thể hiện ý chí mạnh mẽ của Tổng thống trong việc bảo vệ Hàn Quốc tự do khỏi các thế lực phản quốc, khôi phục giá trị và trật tự của Hiến pháp, trao lại một đất nước đúng nghĩa cho thế hệ mai sau.
Trước đó ngày 4/12, ông Kim đã thừa nhận chịu mọi trách nhiệm liên quan đến lệnh thiết quân luật và đã đệ đơn từ chức.
Ngoài ra, trước khi đơn xin từ chức được Tổng thống phê duyệt, ông Kim cũng bày tỏ ý định tham dự phiên họp chất vấn khẩn cấp của Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội vào ngày 5/12, để chịu trách nhiệm nhằm giảm bớt gánh nặng cho các chỉ huy quân đội của Bộ Quốc phòng.
Theo giới quân đội và chính trị, ông Kim được xem là nhân vật trung tâm trong vụ việc lần này, là người đã trực tiếp đề xuất Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật khẩn cấp.
Ông cũng là người chủ trì trong việc chuẩn bị và thực hiện kế hoạch thiết quân luật trong điều kiện bảo mật nghiêm ngặt, khẩn trương mà không được chia sẻ rộng rãi ngay cả với nhiều cố vấn Văn phòng Tổng thống và các quan chức cấp cao trong quân đội.