Văn kiện Đại hội 18: Hà Nội đặt mục tiêu đột phá, kiến tạo Thủ đô tầm vóc mới
Hà Nội xác định đột phá toàn diện về hạ tầng, công nghệ, môi trường và nhân lực, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, thông minh, đáng sống. Văn kiện Đại hội 18 đặt mục tiêu kiến tạo hai trục động lực chiến lược: Khu công nghệ cao Hòa Lạc và trục phát triển phía Bắc sông Hồng.
Ngày 18/7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quan trọng để lấy ý kiến từ đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, cùng lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn vào Dự thảo Văn kiện Đại hội 18 Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030. Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc tập trung vào các đột phá chiến lược về kinh tế, nguồn nhân lực và môi trường của Thủ đô.
Dự thảo Văn kiện được đánh giá cao, hướng tới tầm vóc Thủ đô
Theo các đại biểu, Dự thảo Văn kiện Đại hội 18 Đảng bộ thành phố Hà Nội được xây dựng công phu, khoa học, rõ ràng, cô đọng, súc tích, kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, thể hiện tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo và tiên phong vươn mình cùng dân tộc. Đa số ý kiến nhất trí với chủ đề của dự thảo, cho rằng chủ đề này đã thể hiện tầm vóc của Hà Nội – trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước.

GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu góp ý vào dự thảo
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí với 5 quan điểm chỉ đạo, 3 khâu đột phá, 5 nhóm nhiệm vụ lớn và đặc biệt đánh giá cao 5 lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2025-2030, bao gồm: Đầu tư hạ tầng giao thông; văn hóa, giáo dục; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, bảo vệ môi trường; tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc để đưa các dự án chậm triển khai đi vào hoạt động; và thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao.
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng mục tiêu cao hơn và thúc đẩy đột phá thực chất tương xứng với vị thế Thủ đô đầu tàu – trung tâm kinh tế, tài chính quốc gia và dẫn đầu khu vực phía Bắc. Ông Cường nhận định mục tiêu GDP bình quân đầu người 12.000 USD vào năm 2030 là "hơi khiêm tốn", và Hà Nội có thể mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn (13.000-14.000 USD).
Về hạ tầng và phát triển đô thị, GS Cường đặc biệt nhấn mạnh cần đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan, coi đây là những "nút thắt" và "bức xúc" hiện hữu của Hà Nội. Ông đề xuất khai thác tiềm năng lớn từ cải tạo chung cư cũ, khu phố cổ, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển đường sắt đô thị (mục tiêu 100km vào năm 2030), khai thác và đột phá cảnh quan sông Hồng, cũng như phát triển đô thị theo mô hình TOD (Phát triển định hướng giao thông công cộng).
Liên quan đến nguồn nhân lực, GS.TS Hoàng Văn Cường đồng tình với định hướng đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông khẳng định trọng tâm của Hà Nội phải là khai thác hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có, đặc biệt là đội ngũ khoa học, chuyên gia (hơn 60% tập trung tại Hà Nội), chứ không phải chỉ đào tạo đơn thuần.

GS.TS Lê Anh Tuấn phát biểu
Cũng về nguồn nhân lực, GS.TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Đại học Bách Khoa, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa, nhấn mạnh mục tiêu là thu hút nhân tài trình độ cao về Hà Nội, gắn liền với phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô. Ông Tuấn đề xuất các giải pháp cụ thể như: “Bổ sung cơ chế hợp tác cụ thể giữa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đại học; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các đại học lớn trên địa bàn Hà Nội để thu hút nhân tài trong và ngoài nước; thiết lập trung tâm chế thử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vận hành theo cơ chế bao trọn gói vật tư tiêu hao cho nhà khoa học; Thúc đẩy cơ chế đồng tài trợ cho nhà khoa học nước ngoài về Hà Nội, đầu tư mạnh vào các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc cho các sản phẩm ưu tiên như bán dẫn, công nghệ AI ứng dụng, công nghệ sinh học”.
Cũng góp ý vào dự thảo, PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Chính phủ góp ý rằng Văn kiện Đại hội của Hà Nội cần có định hướng chiến lược tập trung vào bộ tứ Nghị quyết trụ cột gồm Nghị quyết 66, Nghị quyết 57, Nghị quyết 59 và Nghị quyết 68, đồng thời phải vạch ra mục tiêu cụ thể. Ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đóng vai trò định hướng phát triển quốc gia, không chỉ riêng Hà Nội, và đây là cơ hội vàng của Thủ đô.
PGS Thiên cũng cho rằng Hà Nội cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò hội nhập quốc tế hơn nữa trong văn kiện vì đây mang tính biểu tượng tiên phong của Việt Nam. Ông đồng tình với định hướng xây dựng Hà Nội là chính quyền kiến tạo phát triển, rất phù hợp với Nghị quyết 66 và Luật Thủ đô, vì thế Hà Nội cần tiên phong, gương mẫu, đi đầu.

PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Chính phủ
Về công tác bảo vệ môi trường, để chuyển đổi Hà Nội thành "nơi đáng sống" – đột phá về môi trường. GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất, thẳng thắn nhìn nhận thực tế Hà Nội hiện là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Ông Hải đề nghị phải xem bảo vệ tài nguyên và môi trường là một bước đột phá, một mục mang tính chất đột phá, nhằm biến Hà Nội thành "nơi đáng sống" và là Thủ đô có môi trường sống tốt nhất. Theo GS Hải, Hà Nội cần phải tạo ra một Thủ đô bền vững, không chỉ có trách nhiệm tạo ra môi trường sống tốt mà còn phải có một nền kinh tế sôi động và thân thiện với môi trường.
Hai trục động lực chiến lược của Hà Nội đến năm 2045
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ, Hà Nội xác định Văn kiện đại hội phải đáp ứng yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn, có tính hành động, đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội xác định hai trục động lực chính để phát triển đến năm 2045 là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (phía Tây) và khu vực phía Bắc Sông Hồng.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Được Chính phủ chuyển giao về Hà Nội và xác định là "cú đấm thép" thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Để xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, Hà Nội đang triển khai nhiều công trình quan trọng như: đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc; chuyển đổi sân bay Hòa Lạc thành sân bay lưỡng dụng/quốc tế; di dời phần đào tạo sinh viên của các trường đại học khỏi nội đô giảm tải giao thông; và toàn bộ Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia cùng sân bay Hòa Lạc sẽ được xếp vào một đơn vị hành chính duy nhất để quản lý hiệu quả.
Trục sông Hồng và Phía Bắc: Là trục trung tâm, biểu tượng phát triển mới. Đây sẽ là trung tâm hội nhập quốc tế, giao lưu, đô thị thông minh, với lợi thế lớn từ hai sân bay (Gia Bình, Nội Bài) và hai tuyến đường sắt quốc tế. Hà Nội cũng tham vọng xây dựng khu liên hợp thể thao tầm cỡ quốc tế có khả năng tổ chức Olympic và tuyến đường sắt đô thị 5 (Thăng Long – Nội Bài).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tiếp thu ý kiến
Ông Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh Văn kiện không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị mà phải mang hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn, thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp. Hà Nội sẽ tổ chức triển khai xây dựng nghị quyết đồng thời với xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để tổ chức thực hiện ngay sau Đại hội. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp thêm nữa bằng nhiều hình thức gián tiếp, trực tiếp để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện Đại hội 18.