Văn hóa và tiếng Việt được gìn giữ và lan tỏa từ mái ấm kiều bào
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc trao truyền tiếng Việt và các giá trị văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ kiều bào đang trở thành một nhiệm vụ thiêng liêng nhưng cũng đầy khó khăn.
Tại các gia đình người Việt ở nước ngoài - môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để gìn giữ văn hóa và tiếng Việt thì người phụ nữ, đặc biệt là những bà mẹ thường đóng vai trò then chốt.
Dù bận rộn với công việc hằng ngày, các bậc phụ huynh vẫn có thể dạy tiếng Việt cho con thông qua những hoạt động đơn giản như trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, đọc truyện cổ tích, hát ru, hay cùng con xem các chương trình thiếu nhi tiếng Việt.
Với những gia đình đa văn hóa, người mẹ Việt phải nỗ lực hơn nữa để tạo dựng một tổ ấm mà ở đó, con trẻ có thể hấp thụ hai nền văn hóa một cách hài hòa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan thường được biết đến với tên RuaLan hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu. Trong quá trình học tập và làm việc tại đây, chị kết hôn với người đàn ông bản xứ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan (áo dài đỏ) về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 năm 2024.
Chị Lan chia sẻ, việc duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt nơi đất khách không hề dễ dàng. Trẻ em lớn lên trong môi trường sử dụng ngôn ngữ địa phương thường dần xa rời tiếng mẹ đẻ, thậm chí có em cảm thấy ngại sử dụng tiếng Việt vì sợ khác biệt với bạn bè. Do đó, việc giáo dục ngôn ngữ cần sự đồng hành kiên trì từ gia đình, cộng đồng và cả sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Ở gia đình, chị Lan áp dụng phương pháp “một phụ huynh – một ngôn ngữ”: chồng chị giao tiếp với con hoàn toàn bằng tiếng Trung, còn chị sử dụng tiếng Việt. Khi con bắt đầu học chữ, chồng chị dạy các kiến thức theo chương trình phổ thông Trung Quốc, còn chị hướng dẫn con học viết, làm toán và tập đọc bằng tiếng Việt.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng mà các con của chị phát triển đồng đều cả hai ngôn ngữ, có thể giao tiếp bằng tiếng Việt một cách tự nhiên và quen thuộc với các món ăn thuần Việt do mẹ chế biến.
Tương tự, chị Hà Kim Chi, một kiều bào Việt tại Italia cho biết, trong các gia đình đa văn hóa, những rào cản về khác biệt ngôn ngữ, thói quen và tư duy là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sự thấu hiểu và tôn trọng giữa vợ chồng là yếu tố quan trọng để gìn giữ hạnh phúc và giúp con trẻ tiếp thu được cả hai nền văn hóa một cách trọn vẹn.
Con gái chị Chi có khả năng nghe, nói và viết tiếng Việt khá tốt, dù phát âm chưa chuẩn. Mỗi ngày, chị dành từ 15 đến 20 phút để cùng con luyện phát âm, tập đọc các đoạn văn dài. Nhờ sự kiên trì của mẹ, khả năng tiếng Việt của bé cải thiện rõ rệt. Bé cũng thường xuyên đặt câu hỏi về phong tục, tập quán Việt Nam và chị Chi luôn cố gắng giải thích bằng tiếng Việt để con hiểu và thêm yêu văn hóa quê nhà.
Nhiều phụ nữ Việt tại nước ngoài cũng may mắn có được người chồng ngoại quốc đồng hành trong hành trình gìn giữ văn hóa Việt. Chị Trần Đinh Linh Phương ở Thụy Sĩ cho biết, chính vì yêu văn hóa Việt Nam mà chồng chị đã chủ động tham gia các lớp học tiếng Việt.
Từ đó, chị Phương có cơ hội tiếp cận các giáo trình giảng dạy tiếng Việt phù hợp. Gia đình chị thống nhất phương pháp: bố nói tiếng Thụy Sĩ còn mẹ nói tiếng Việt với con. Nhờ tiếng Việt, con chị có thể giao tiếp với ông bà, người thân tại Việt Nam và cảm thấy gắn bó với văn hóa quê mẹ. Đặc biệt, chồng chị rất tích cực học tiếng Việt nên dù đa văn hóa nhưng cả gia đình luôn có sự gắn kết.