Văn hóa khán giả

Trước mỗi suất diễn sân khấu, ban tổ chức đều có thông báo về nội quy khán phòng, nhằm đảm bảo tốt nhất không gian biểu diễn, giúp khán giả có sự thưởng thức tốt nhất vở diễn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, việc này cũng góp phần định hướng khán giả có hành vi phù hợp, ứng xử văn minh khi thưởng thức nghệ thuật nơi công cộng.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều khán giả khi đến rạp hát thưởng thức nghệ thuật còn thiếu ý thức, kém văn minh trong cách ứng xử nơi công cộng. Đặc biệt, điều này xuất hiện khá nhiều trong các suất diễn đang sáng đèn của các chương trình, vở diễn cải lương, kịch nói…

Vừa qua, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, khi vở Ngày ấy Cổng Trời đang thi diễn trong Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024 (diễn ra từ ngày 12 đến 29-11), nhiều khán giả đã vừa xem vở diễn vừa mở điện thoại ghi lại, tạo ánh sáng trong khi sân khấu đang tắt đèn để chuyển cảnh.

Thậm chí, có người còn nghe điện thoại lớn tiếng, không tắt âm thanh khi lướt mạng, nói chuyện cá nhân… Thậm chí, khi vở diễn đến đoạn kịch tính cao trào, một số người còn cười đùa, đứng lên đi lại ngay trước sân khấu, gây ảnh hưởng đến các khán giả khác và ban giám khảo liên hoan đang theo dõi, chấm điểm vở diễn.

Ngày ấy Cổng Trời là vở kịch có nội dung về lực lượng thanh niên xung phong với nhiều cảnh diễn xúc động, trong đó có cảnh người phụ nữ gặp lại chồng mình sau nhiều năm xa cách, mất liên lạc để tham gia kháng chiến. Sự bùng nổ của đau thương dồn nén sau nhiều năm, tình cảm gia đình, tình vợ chồng rưng rưng ngày trùng phùng tạo nên một khoảng lặng đắt giá cho vở diễn.

Thế nhưng, ngay trong khoảng lặng đó, không ít những hành động vô ý thức, hành vi kém văn hóa đã khiến cho không gian thưởng thức nghệ thuật bị hoen ố, cảm xúc của khán giả cũng bị chi phối không ít.

Lâu nay, hành động vô ý thức, kém văn minh của một bộ phận khán giả, không chỉ trong khán phòng sân khấu mà còn ở nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như biểu diễn âm nhạc, chiếu phim… vẫn cứ diễn ra, gây cảm giác khó chịu cho những khán giả yêu nghệ thuật.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, từ nhắc nhở, cảnh báo đến can thiệp trực tiếp, đề nghị rời chỗ ngồi, rời không gian nghệ thuật... Thế nhưng, đây chỉ là những biện pháp tình thế đáng tiếc của nhà tổ chức. Trên hết, khán giả cần ý thức sự tôn trọng, xây dựng những thói quen tốt, hành vi đẹp và chuẩn mực trong những không gian nghệ thuật riêng biệt.

Để từ đó, khi đến với các sân khấu, thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, khán giả ngày càng xây dựng và lan tỏa ý thức văn hóa, có hành vi đúng mực và ứng xử văn minh.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hoa-khan-gia-post769892.html
Zalo