Văn hóa giao thông từ cổng trường an toàn
Vừa qua, Ban ATGT TP, Sở GTVT Hà Nội cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã khởi xướng và nhân rộng mô hình 'Cổng trường an toàn' tại nhiều địa phương. Đây là mảnh ghép quan trọng trong xây dựng, bồi đắp văn hóa giao thông cho nhiều thế hệ công dân Thủ đô tương lai.
Trong suốt nhiều năm, việc đưa đón trẻ đi học đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân và tình trạng giao thông tại các khu vực có trường học, đặc biệt là trong giờ cao điểm sáng - chiều. Những khó khăn đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân nói chung và các bậc phụ huynh, thậm chí là cả học sinh nói riêng.
Chính vì vậy, chương trình tổ chức “Cổng trường an toàn”, nền nếp giao thông do Ban ATGT TP, Sở GTVT Hà Nội khởi xướng có nhiều ý nghĩa rất quan trọng, mang giá trị vượt lên trên một giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông cho từng khu vực. Để tổ chức các cổng trường an toàn, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu, tính toán tổ chức vị trí dừng chờ cho phụ huynh, các hướng lưu thông tối ưu, hạn chế phương tiện lớn qua cổng trường giờ cao điểm…
Đó là cơ sở để chính quyền địa phương, các đoàn thể tình nguyện cùng nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh đứng đúng nơi, chờ đúng chỗ. Sự ngăn nắp ngay từ chỗ đứng, lối đi vừa giúp phụ huynh yên tâm, thoải mái, học sinh dễ dàng tìm được gia đình, vừa giảm thiểu tình trạng dừng đỗ phương tiện tràn lan gây ách tắc giao thông, tạo nên bầu không khí hài hòa, dễ chịu trước cổng trường. Nhờ vậy, các cổng trường đã thực sự trở thành “bến đỗ” an toàn, nơi cả phụ huynh, học sinh và người tham gia giao thông khác đều cảm nhận được sự văn minh, trân trọng. Từ đó hình thành ý thức, văn hóa giao thông xuyên suốt từ các bậc phụ huynh cho đến con em họ.
Trẻ em chính là nhân tố quan trọng, sẽ dần trở thành các chủ nhân của Thủ đô. Việc bồi đắp văn hóa giao thông cho trẻ từ khi còn nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên lớp công dân tương lai thấm nhuần văn hóa giao thông, biết hướng tới xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Thời gian qua, mô hình “cổng trường an toàn” đã được thí điểm rồi nhân lên từ quận nội đô đến huyện ngoại thành. Nơi nào cũng được người dân đón nhận, ủng hộ và ngay lập tức phát huy hiệu quả tích cực đối với giao thông, văn hóa, ý thức của của người tham gia giao thông. Mô hình đó đã trở thành mảnh ghép quan trọng, khẳng định giá trị của mình trong cuộc chiến đẩy lui ùn tắc, đảm bảo trật tự, ATGT của Hà Nội.
Do đó mô hình “cổng trường an toàn” rất cần được mở rộng nhiều hơn, nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, không thể rập khuôn, làm ồ ạt hay dựng lên để chạy đua thành tích, mỗi cổng trường được sắp xếp, tổ chức phải thật sự là khu vực ATGT cho phụ huynh, học sinh và người dân.
Để làm được như vậy, Ban ATGT TP, Sở GTVT Hà Nội và các địa phương, đơn vị liên quan cần có nghiên cứu cụ thể với từng trường hợp, từng khu vực, đưa ra cách thức tổ chức riêng, hạn chế mọi bất cập, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình ưu việt này.