Vận hành bộ máy mới, kỳ vọng mới
Từ ngày 1/7/2025, hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp ở tỉnh Ninh Bình chính thức vận hành. Đây là bước chuyển mang tính căn bản về tổ chức bộ máy, đánh dấu quá trình hợp nhất và tái cấu trúc đơn vị hành chính mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua. Với 129 xã, phường mới được thành lập (gồm 97 xã, 32 phường), các địa phương đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Phường Nam Định hôm nay. Ảnh: Viết Dư
Triển khai đồng bộ chủ trương lớn
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình (cũ) đều chủ động thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phù hợp.
Kế hoạch xác định rõ lộ trình, các nội dung công việc phải thực hiện trong từng thời điểm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn; phân công rõ nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, phối hợp, thời gian hoàn thành. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung công việc đề ra.
Tỉnh ủy 3 tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo bám sát chỉ đạo của Trung ương; thực hiện đúng các nguyên tắc, tiêu chí khi sáp nhập.
Quá trình sắp xếp chú ý các tiêu chuẩn về diện tích, dân số, đặc biệt chú ý tiêu chuẩn về diện tích theo quy định nhằm bảo đảm không gian phát triển cho các cơ sở trong tương lai.
Tên gọi xã, phường mới đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, không trùng lặp, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính cấp xã mới được chọn ở những nơi có vị trí trung tâm, có cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đồng bộ, thuận lợi cho việc đi lại của tổ chức, cá nhân, trong đó quan tâm, bố trí, sử dụng trụ sở đơn vị hành chính cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động
Từ ngày 21/4 đến ngày 23/4/2025, cả 3 tỉnh đều đồng loạt triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân (đại diện hộ gia đình) về Dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và Dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Việc lấy ý kiến Nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện và đặt tên đơn vị hành chính mới tại 3 tỉnh được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, quy định và phát huy dân chủ ở cơ sở.
Tỷ lệ đồng thuận của Nhân dân đạt rất cao; trong đó, tỷ lệ ý kiến đồng ý của Hà Nam đạt trên 97%, Nam Định đạt 95%, Ninh Bình đạt 98,84%.
Đến ngày 29/5/2025, cả 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trình Chính phủ theo quy định. Sau sắp xếp, tỉnh mới Ninh Bình có 129 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 269 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh rà soát tình hình đội ngũ cán bộ, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký nghỉ chế độ theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP, Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp.
Đến nay, tỉnh Hà Nam đã giải quyết đối với 175 cán bộ, công chức, viên chức với kinh phí hỗ trợ trên 145 tỷ đồng, dự kiến còn khoảng 175 trường hợp đăng ký giải quyết chế độ.
Tỉnh Ninh Bình đã giải quyết 167 trường hợp với kinh phí hỗ trợ khoảng 172 tỷ đồng, dự kiến còn khoảng 799 trường hợp đăng ký giải quyết chế độ.
Tỉnh Nam Định đã phê duyệt 229 trường hợp với kinh phí hỗ trợ trên 227 tỷ đồng; dự kiến còn khoảng 1.300 trường hợp đăng ký giải quyết chế độ.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hợp nhất tiếp nhận nguyên trạng máy móc, thiết bị và các tài sản hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trước sắp xếp để tiếp tục sử dụng, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trước, trong và sau quá trình sắp xếp, sáp nhập đều chủ động xây dựng phương án giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm không bị ngắt quãng, gián đoạn.
Từng bước lan tỏa vào cuộc sống
Để đảm bảo chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, tỉnh Nam Định (cũ) đã xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp xã mới hình thành.
Việc bố trí trụ sở làm việc của 57 đơn vị hành chính mới (8 phường và 49 xã) đảm bảo đủ điều kiện để bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt, không bị ngắt quãng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch chỉ đạo việc vận hành thử nghiệm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh tại phường Nam Định và được tổ chức trực tuyến tới 56 xã, phường còn lại trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung vận hành thử nghiệm gồm: Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ phường để công bố Quyết định về việc thành lập Đảng bộ; Quyết định chỉ định Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ phường; Quyết định thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Đảng ủy và thành lập Đảng bộ cơ quan hành chính; thông qua Quy chế làm việc, chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy phường; phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phường.
Vận hành thử nghiệm tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND phường để công bố các Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND phường chỉ định các chức danh chủ chốt của phường. Thành lập các Ban của HĐND và cơ quan chuyên môn của UBND phường.

Cán bộ xã Đức Lý trao đổi tình hình vận hành hệ thống chính quyền địa phương khi sáp nhập các xã Đức Lý, Công Lý, Nguyên Lý thành xã Nam Xang mới từ ngày 1/7/2025. Ảnh: PV
Vận hành thử nghiệm phiên họp đầu tiên của UBND phường để xem xét thông qua quy chế làm việc; chương trình công tác năm 2025 và nhiều nội dung công việc khác. Ngay trong ngày vận hành thử nghiệm, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường đã chạy phần mềm tiếp nhận, chuyển giao văn bản đi và đến trong hệ thống chính trị; vận hành việc tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính cơ bản của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn…
Theo Nghị quyết số 1674/ NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành ngày 16/6/2025, quy định sáp nhập và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh mới Ninh Bình (sau khi hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình), xác định 129 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó tỉnh Hà Nam (cũ) có 33 xã, phường mới. Tỉnh ủy Hà Nam (cũ) đã đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm xuyên suốt trong các kế hoạch, đưa chính quyền mới vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và vì dân; bảo đảm ổn định tư tưởng cán bộ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy chính quyền.
Hà Nam đã chọn phường Phủ Lý để thực nghiệm vận hành mô hình tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền mới theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu phường Phủ Lý đến 32 phường, xã khác trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/7/2025. Tại huyện Lý Nhân (cũ), công tác chuẩn bị cho chính quyền hai cấp được triển khai đồng bộ và chủ động.
Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức rà soát kỹ các chức danh cán bộ, tổ chức bộ máy hành chính ở cấp xã, phối hợp với các ngành, cơ quan cấp tỉnh để bảo đảm công tác nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, kỷ luật công vụ trong thực hiện nhiệm vụ sau ngày 1/7".
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, điểm quan trọng nhất là bảo đảm sự liền mạch trong lãnh đạo, điều hành, tránh xáo trộn lớn ảnh hưởng đến tâm lý Nhân dân. “Chúng tôi yêu cầu từng xã phải tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải thích rõ cho người dân về mô hình chính quyền hai cấp, để tạo sự đồng thuận và đồng hành”-đồng chí Bùi Văn Hoàng nói.
Ở góc nhìn nghiên cứu và đào tạo cán bộ, đồng chí Nguyễn Trọng Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Lý Nhân nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương sáp nhập, tin gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, người dân rất đồng tình, nhất là sau khi được lấy ý kiến về nội dung sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến mô hình chính quyền 2 cấp. Mức độ đồng thuận của Nhân dân rất cao”.
Đồng chí cho rằng, điều người dân quan tâm nhất hiện nay là thủ tục hành chính sau sáp nhập có thuận tiện không, có phải đi xa hay phát sinh phiền hà không. Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã dần trở nên quen thuộc với người dân, từ thanh toán tiền điện, nước, môi trường đến khai thác các dịch vụ hành chính công.
Chính điều này tạo nền tảng thuận lợi để thực hiện chính quyền hai cấp mà không làm gián đoạn công việc, nhất là các thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, cán bộ chủ chốt các cấp được sớm kiện toàn, trong đó nhiều cán bộ từ tỉnh, huyện tăng cường xuống cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, phát huy hiệu quả hoạt động công vụ.
Người dân kỳ vọng đội ngũ cán bộ mới có tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng phục vụ tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh.
Tại thành phố Phủ Lý (cũ), mô hình tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã được vận hành thử nghiệm ở phường Phủ Lý theo kế hoạch của Tỉnh ủy Hà Nam trước ngày 1/7.
Đồng chí Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Chúng tôi tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ phường theo mô hình mới, kết hợp rà soát cán bộ, phân công nhiệm vụ, đánh giá thực tế, từ đó đề xuất những điều chỉnh kịp thời khi vận hành chính thức.
Các nội dung trọng tâm như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tinh gọn bộ máy đều được quán triệt trong từng cuộc họp”.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Ninh Bình (trước đây) có 39 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 8 phường và 31 xã), tỷ lệ giảm 68,8% so với trước sắp xếp. Xác định việc tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu về tổ chức, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tối ưu nguồn lực và nâng tầm hiệu quả quản trị địa phương, tỉnh Ninh Bình (trước đây) đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dựng phương án, triển khai kế hoạch chi tiết, giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra.
Tại huyện Nho Quan (cũ), công tác chuẩn bị vận hành đơn vị hành chính cấp xã mới được triển khai bài bản trên nhiều phương diện. Từ việc bố trí trụ sở, phương tiện, trang thiết bị, cho đến sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, tất cả đều được thực hiện với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao.
Việc tổ chức vận hành các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã là một điểm nhấn quan trọng. Huyện đã khảo sát kỹ lưỡng, lựa chọn những địa điểm thuận tiện, cơ sở vật chất đảm bảo, trang thiết bị hiện đại để người dân dễ tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi.
Cán bộ làm việc tại đây được lựa chọn là những người có năng lực, kinh nghiệm và tinh thần phục vụ nhân dân tận tụy.
Song song với đó, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nội dung tập trung vào kỹ năng sử dụng hệ thống quản lý văn bản, điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Huyện cũng tổ chức vận hành thử, rà soát, rút kinh nghiệm từng khâu, từng quy trình, để đến thời điểm chính thức chuyển đổi, bộ máy mới có thể hoạt động trơn tru, liên tục, không gián đoạn, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.
Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất toàn bộ công việc cần thiết để sẵn sàng chấm dứt chức năng quản lý trực tiếp các xã, thị trấn và chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, huyện yêu cầu toàn thể cán bộ nỗ lực gấp đôi, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, bảo đảm mô hình mới hoạt động hiệu quả ngay từ giờ đầu, ngày đầu.
Mọi việc đều diễn ra đúng tiến độ, nhịp nhàng, không để xảy ra điểm nghẽn nào trong quá trình chuyển đổi”. Được biết, để đảm bảo vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng lộ trình, tỉnh Ninh Bình (trước đây) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ sở vật chất và quy trình hành chính cho tới việc sắp xếp nhân sự và kiện toàn các bộ phận ở cấp xã, tỉnh.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt và những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là tỉnh đã thành lập 6 Đoàn công tác cấp tỉnh do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Các Đoàn có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cũng như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc cấp tỉnh.
Ngoài nhiệm vụ chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, các Đoàn công tác còn đóng vai trò tháo gỡ khó khăn, tổng hợp kiến nghị và tham mưu giải pháp cho lãnh đạo tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Để đánh giá mức độ sẵn sàng, tỉnh đã tổ chức vận hành thử mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 7 xã, phường mới.
Buổi vận hành thử đã kết nối giữa UBND tỉnh và các địa phương thông qua hệ thống hội nghị trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản và xử lý thủ tục hành chính điện tử. Các phần mềm, hạ tầng công nghệ đều được đồng bộ, thử nghiệm chạy song song với quy trình thực tế.
Qua đó, tỉnh đánh giá thực tế, rút kinh nghiệm, nhận diện khó khăn trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã sau sắp xếp, kịp thời điều chỉnh, đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt từ ngày 1/7/2025.

Lãnh đạo và cán bộ xã Kim Đông (mới) xử lý thủ tục hành chính khi vận hành thử chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: PV
Chia sẻ từ thực tiễn vận hành thử, đồng chí Lê Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Đông (mới) cho biết: “Tại buổi vận hành thử nghiệm, toàn bộ hệ thống vận hành ổn định, việc tiếp nhận và xử lý văn bản qua mạng được thực hiện nhịp nhàng.
Cán bộ, công chức đều nắm vững thao tác và quy trình công việc mới, xử lý văn bản và thủ tục hành chính nhanh chóng. Mọi khâu đều được kiểm tra kỹ lưỡng, tạo tiền đề vững chắc cho ngày chuyển đổi chính thức. Việc thử nghiệm giúp chúng tôi lường trước được các tình huống có thể phát sinh, từ đó xây dựng phương án xử lý phù hợp”.
Tính đến thời điểm này, tỉnh mới Ninh Bình đã sẵn sàng các điều kiện để vận hành thông suốt, hiệu quả bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí xong nhân sự, sắp xếp lại không gian làm việc, trang thiết bị kỹ thuật, dữ liệu hành chính. Các sự cố nhỏ phát sinh trong quá trình thử nghiệm đều được khắc phục kịp thời. Tinh thần chung được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị là: “Không để phát sinh điểm nghẽn, không để gián đoạn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp”.