Vận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù để đưa Hà Nội bứt phá

Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập cơ chế phát triển của Hà Nội. Các quy định cụ thể trong Luật đang được tiếp tục cụ thể hóa, đưa vào triển khai, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Tập trung đưa Luật vào cuộc sống

Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của Luật Thủ đô 2024, nhiều chuyên gia nhận định, đây là Luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

Do đó, TP Hà Nội đang nhanh chóng, tập trung để cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô, đưa Luật vào cuộc sống, tận dụng tốt các cơ chế vượt trội để phát triển. Đồng thời, triển khai các giải pháp chiến lược thực hiện Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay.

Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập cơ chế phát triển của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập cơ chế phát triển của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, trong các Kỳ họp của HĐND TP Hà Nội, đã thông qua hàng loạt Nghị quyết về triển khai thi hành các quy định cụ thể, trọng tâm bao gồm chính sách thu hút nhân tài, phát triển giáo dục, y tế, quy hoạch kiến trúc, bảo tồn khu phố cổ, hạ tầng giao thông và các chính sách huy động nguồn lực đầu tư, phát triển văn hóa – xã hội phù hợp với đặc thù Thủ đô. Đáng chú ý là quy định về dùng quỹ lương của TP tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội… mà thuộc ngân sách TP bảo đảm chi thường xuyên. Đồng thời thông qua văn bản cá biệt theo kế hoạch như Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán TP Hà Nội và dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP Hà Nội…

Đồng thời, TP Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành T.Ư được giao nhiệm vụ xây dựng các nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật Thủ đô. Phối hợp xây dựng các nghị định về việc thực hiện liên kết giáo dục giữa cơ sở giáo dục công lập của TP và cơ sở giáo dục nước ngoài; quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập DN, tham gia góp vốn vào DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (khoản 4, điều 23); quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm (khoản 2, điều 19); dừng việc xây dựng 2 Nghị định quy định chi tiết điều 39 (về PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao) và điều 40 (về Hợp đồng BT), để thực hiện theo quy định chung của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau khi được sửa đổi, bổ sung…

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân, Luật Thủ đô 2024 sẽ ngày càng sâu rộng vào cuộc sống và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm khu vực và thế giới.

Để huy động đa dạng các nguồn lực

Hiện TP Hà Nội đang tiếp tục triển khai việc xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 theo danh mục đã được xác định tại các kế hoạch của TP (gồm 78 văn bản quy phạm pháp luật và 17 văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TP). Tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 25) dự kiến diễn ra từ ngày 8/7-11/7, HĐND TP sẽ tiếp tục xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024. Trong đó, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chi tiết khoản 1, khoản 2, khoản 7 Điều 42 và điểm d khoản 5 Điều 43 Luật Thủ đô về thu hút nhà đầu tư chiến lược; Nghị quyết của HĐND TP quy định biện pháp giảm phát thải nhựa (thực hiện điểm d, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô).

Theo các chuyên gia, thu hút nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh TP có mục tiêu tập trung phát triển vào những ngành, những lĩnh vực đòi hỏi năng lực tài chính, năng lực về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Muốn tạo ra những đột phá trong phát triển, cần có những nhà đầu tư đủ tầm để tạo ra sức lan tỏa, lực kéo, hỗ trợ DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, giai đoạn này, Hà Nội cũng đang thực hiện các Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc vận dụng có hiệu quả quy định liên quan thu hút nhà đầu tư chiến lược có công nghệ tiên tiến, sẽ huy động đa dạng các nguồn lực bên ngoài, các thành phần kinh tế tham gia khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, biến thành nguồn lực phát triển Thủ đô.

Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, tại Điều 42, quy định về “Thu hút nhà đầu tư chiến lược”, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô bao gồm nhiều lĩnh vực. Trong đó có, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh; phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng; phát triển khu công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường; công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, điều khiển giao thông đô thị, TP thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch…

Đồng thời, quy định của Luật cũng đã ra những điều kiện cụ thể nhà đầu tư cần đáp ứng và HĐND TP sẽ quy định chi tiết phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô. Tại Điều 43 của Luật cũng quy định rõ về các chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn, như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; hỗ trợ phát triển nhân lực; hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao… Cùng với đó, các ưu đãi, hỗ trợ khác do HĐND TP quyết định để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Để thực hiện hiệu quả quy định của Luật sau khi cụ thể hóa, TP Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có công nghệ tiên tiến, có nguồn vốn lớn, có cam kết gắn bó lâu dài với TP, nhất là trong những ngành kinh tế trụ cột của Thủ đô. Cùng với đó, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm du lịch và dịch vụ... Đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại, cung cấp thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về quy hoạch và các định hướng phát triển của TP.

Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP dự kiến sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết để cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô về nhiều nội dung như, về khu phát triển thương mại và văn hóa (khoản 8 Điều 21); về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (khoản 7 Điều 21); trình tự, thủ tục xây dựng, lựa chọn và áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật đối với lĩnh vực xây dựng của TP Hà Nội (khoản 5, Điều 37); biện pháp hỗ trợ ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải có sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (điểm d, khoản 2, Điều 28)...

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-dung-hieu-qua-co-che-dac-thu-de-dua-ha-noi-but-pha.758076.html
Zalo