Văn Chấn (Yên Bái): Xây dựng nhà mới cho một hộ thân nhân gia đình liệt sỹ ở xã Tân Thịnh

Ngày 3/7, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Hải Phòng (Nhựa Tiền Phong Hải Phòng) phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn và xã Tân Thịnh khánh thành nhà mới cho ông Trần Văn Rít, một người thờ cúng liệt sỹ. Từ nay, giấc mơ có nhà mới của ông Trần Văn Rít đã thành hiện thực.

Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong Hải Phòng Phạm Hồng Sỹ cùng lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, đại diện huyện Văn Chấn trao kinh phí hỗ trợ làm nhà và tặng quà cho ông Trần Văn Rít.

Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong Hải Phòng Phạm Hồng Sỹ cùng lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, đại diện huyện Văn Chấn trao kinh phí hỗ trợ làm nhà và tặng quà cho ông Trần Văn Rít.

Ở xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn không ai là không biết ông Trần Văn Rít ở thôn Khe Nhừ. Không phải vì ông có những đặc điểm, thành tích gì nổi bật, mà ấn tượng đầu tiên khi gặp, mọi người đều chung một suy nghĩ và tâm trạng ái ngại, thương cảm bởi vì ông sinh năm 1956 nhưng nhìn khắc khổ, già nua, răng rụng, má hóp như một cụ già gần 80 tuổi, cùng với dáng đi lệch một bên người bởi một bên chân bị khuyết tật từ nhỏ. Ngôi nhà gỗ 3 gian của ông Trần Văn Rít được cất dựng cách đây đã trên 30 năm, dưới một vạt đồi, theo thời gian đã trở nên cũ kỹ, cột kèo mối mọt, mái nhà dột nát, luôn tiềm ẩn, rình rập nguy hiểm về tính mạng con người.

Từ đường cái chính, muốn đến nhà ông phải theo một lối mòn nhỏ, dốc đá, hai bên cỏ mọc um tùm, qua một cây cầu tạm được kiến tạo bởi những cây tre, thanh gỗ chằng buộc sơ sài, bắc qua con suối. Tất cả đều có thể bị cuốn trôi hoặc hư hỏng mỗi khi có mưa lũ tràn qua. Cuộc sống túng thiếu, vất vả, đói nghèo cứ đeo đuổi, bám riết với ông như một định mệnh, duyên nợ, không dễ gì buông bỏ được. Vợ ông chắc cũng vì điều này đã bỏ rơi ông, đi nơi khác ở mặc dù ông bà cũng đã có với nhau 3 người con gái.

Ngôi nhà cũ bên kia suối của ông Trần Văn Rít.

Ngôi nhà cũ bên kia suối của ông Trần Văn Rít.

Sức khỏe yếu, lại bị khuyết tật, đi lại khó khăn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của ông Trần Văn Rít chủ yếu trông cậy vào diện tích ruộng lúa ít ỏi, mấy vạt ngô, năng suất bấp bênh, nhưng cũng gọi là tạm đủ lương thực cùng với số tiền hương khói, thờ cúng người anh trai cả là liệt sỹ Trần Văn Tu (Liệt sỹ Trần Văn Tu nhập ngũ tháng 4/1968, hy sinh ngày 3/5/1970 trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ) cùng 720.000 đồng tiền trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật. Các con gái của ông Trần Văn Rít, người đi làm ăn ở tỉnh xa, người ở trong thôn, lấy chồng, sinh con, cũng có điều kiện thời gian thăm hỏi mỗi khi ông ốm đau hoặc trái nắng, trở trời. Song với đồng lương công nhân eo hẹp hoặc những sản phẩm, thu nhập của nghề nông, cuộc sống cũng còn rất nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp, các con của ông Trần Văn Rít không có điều kiện để giúp bố sửa sang, làm lại nhà mới.

Trách nhiệm thờ cúng được trao cho người con út trong gia đình Trần Văn Rít. Việc hương khói, thờ cúng bố mẹ, ông bà, tổ tiên và anh linh người anh trai cả là liệt sỹ Trần Văn Tu trong ngôi nhà dột nát luôn là nỗi khổ tâm, ám ảnh, day dứt khôn nguôi trong lòng ông Trần Văn Rít.

Trong một dịp đi khảo sát, nắm tình hình thực tế của các hộ gia đình thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng cần được hỗ trợ làm nhà ở xã Tân Thịnh và một số xã khác của huyện Văn Chấn, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái Đồng Quang Hưng tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của ông Trần Văn Rít. Nhìn tấm ảnh thờ chân dung liệt sỹ, Bằng Tổ quốc ghi công cùng nhiều tấm Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến công các loại của liệt sỹ Trần Văn Tu đang sắp xếp không theo thứ tự trên chiếc bàn thờ đơn sơ, chật hẹp, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái Đồng Quang Hưng không khỏi không xót xa. Đối với một xã đã được công nhận chuẩn Nông thôn mới từ năm 2018, đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2020 mà Tân Thịnh vẫn còn có gia đình hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ như trường hợp của ông Trần Văn Rít.

Với sự đồng cảm sâu sắc, nghĩa tình và trách nhiệm, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị có liên quan của huyện Văn Chấn, đứng ra tổ chức vận động, tìm đơn vị tài trợ, những nhà hảo tâm để có nguồn kinh phí hỗ trợ ông Trần Văn Rít làm nhà mới. Được sự quan tâm của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tân Thịnh, ông Trần Văn Rít cũng đã được quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn tạp sang đất ở với diện tích 100m2 ở khu đất mới, ngay sát đường cái lớn, rất thuận tiện, giảm bớt khó khăn, bất tiện trong việc đi lại và trong sinh hoạt hàng ngày đối với người bị khuyết tật như ông Trần Văn Rít.

Với sự đồng hành, hỗ trợ kinh phí của Nhựa Tiền Phong Hải Phòng cùng với đóng góp ngày công lao động của anh em, con cháu, họ hàng và bà con nhân dân trong thôn Khe Nhừ, xã Tân Thịnh, sau một thời gian thi công, ngôi nhà cấp 4 được xây chắc chắn, đảm bảo tiêu chí “3 cứng” đã hoàn thành. Nhựa Tiền Phong Hải Phòng phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn và xã Tân Thịnh tổ chức khánh thành nhà vào ngày 3/7.

Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong Hải Phòng phát biểu bàn giao kinh phí hỗ trợ làm nhà.

Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong Hải Phòng phát biểu bàn giao kinh phí hỗ trợ làm nhà.

Đại diện đơn vị tài trợ chính, Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong Hải Phòng Phạm Hồng Sỹ cũng trao 60.000.000 đồng kinh phí hỗ trợ làm nhà cho ông Trần Văn Rít. Niềm mơ ước có ngôi nhà chắc chắn, kín trên, bền dưới để ở và có nơi tôn nghiêm để thờ cúng bố mẹ, ông bà và người anh liệt sỹ Trần Văn Tu của ông Trần Văn Rít đã trở thành hiện thực.

Chân thành cám ơn các nhà tài trợ, ông Trần Văn Rít bày tỏ, nếu như không có sự quan tâm, vận động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh, chính quyền, cơ quan, tổ chức đoàn thể địa phương, sự hỗ trợ kinh phí của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Hải Phòng và giúp đỡ công sức bà con nhân dân sở tại, ông chưa bao giờ dám mơ ước sẽ được ở trong căn nhà như hiện nay.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Thắng cho biết: Tân Thịnh là xã thuần nông với tổng diện tích tự nhiên là 2999,78ha, chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng lúa, cây chè, cây ăn quả (cam, chanh) và trồng rừng. Xã Tân Thịnh có 1713 hộ, 6325 nhân khẩu, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm. Xã có 47 liệt sỹ, 23 thương binh, 04 bệnh binh và 19 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2011 đến nay, đã xóa 20 nhà dột nát cho người có công với cách mạng; riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có 01 nhà sửa chữa và 3 nhà được xây mới. Hàng năm xã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà người có công, gia đình chính sách nhân dịp ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Hiện xã Tân Thịnh còn 4 nhà cần được sửa chữa, nâng cấp.

Việc hỗ trợ kinh phí làm nhà tình nghĩa là việc làm có tính nhân văn sâu sắc, nghĩa tình, là sự quan tâm đặc biệt của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, Nhựa Tiền Phong Hải Phòng đối với ông Trần Văn Rít. Đây không chỉ là niềm vui, hạnh phúc vô cùng lớn lao, mà còn là động lực để gia đình ông Trần Văn Rít phấn đấu vươn lên cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngọc Giang Sơn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/van-chan-yen-bai-xay-dung-nha-moi-cho-mot-ho-than-nhan-gia-dinh-liet-sy-o-xa-tan-thinh-378604.html
Zalo